Từ một món ăn bình dị của người dân vùng núi Cao Bằng, nay thạch đen đã nổi tiếng khắp nơi như một món đặc sản mà du khách có dịp đến đây không thể bỏ qua.
Đi qua thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), du khách sẽ thấy nhiều quầy hàng bày bán món đặc sản thạch đen được làm từ lá cây thạch đen (còn có tên gọi khác là cây sương sáo). Các quầy bán thạch đen luôn tập nập khách ghé vào mua, phần đông mang về làm quà chi có dịp đi qua Cao Bằng.
Theo kinh nghiệm của người dân Thạch An, chọn lá nguyên liệu là khâu quan trọng nhất, lá đen, cầm vào mềm tay thì thạch mới ngon
Ít năm trước, thạch đen chỉ được người dân địa phương chế biến để sử dụng trong những ngày hè oi ả vì món thạch đen mát, có lợi cho tiêu hóa. Chị Nông Thị Lệ Thuỳ - chủ cơ sở sản xuất thạch đen Lệ Thuỳ kể lại: Ngày đó, người dân Thạch An còn dùng bếp củi nấu thạch và bảo quản bằng cách ngâm trong nước bởi chưa có tủ lạnh. Khi món ăn dân dã này được thị trường đón nhận với lượng tiêu thụ ngày một tăng, thương hiệu thạch đen Thạch An cũng được nhiều người biết đến.
"Tôi theo nghề từ xưa của cha ông để lại, thời đó chưa có bếp ga hay bếp điện như bây giờ còn nấu bằng củi. Cứ nấu 1 đến 2 kg lá được 20 - 30 kg thạch đổ ra chậu to ngâm nước để bảo quản được lâu. Giờ hiện đại hơn, sử dụng bếp điện đỡ được công đun nấu, thạch cho ra cũng mịn hơn, đẹp hơn mà chất lượng không thay đổi", chị Thùy chia sẻ.
Các cơ sở sản xuất thạch đen ở Thạch An hoạt động quanh năm tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục nhân công với thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng
Cao điểm mùa hè, mỗi ngày cơ sở của chị Thuỳ sản xuất và bán được gần 3000 hộp thạch đen (tương đương 3 tấn), chủ yếu cung cấp cho các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... và khách du lịch mua về làm quà. Những ngày đầu tháng 4 dù chưa phải cao điểm tiêu thụ thạch đen nhưng gần 10 nhân công tại cơ sở Lệ Thuỳ luôn tất bật cả ngày.
Thoăn thoắt xếp từng hộp thạch vào thùng để giao cho khách hàng, chị Lương Thu Lành chia sẻ: "Em thấy làm ở đây tốt hơn đi làm công nhân vì được gần nhà, gần gia đình thu nhập bình quân mỗi ngày cũng được 400-500 nghìn đồng. Em cũng muốn được gắn bó với công việc này lâu dài vì làm ở đây bà chủ cũng vui tính khiến em có động lực làm việc".
Đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, năm 2022 món thạch đen Thạch An tiếp tục được vinh danh “Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam”. Tiếng lành đồn xa, du khách có dịp đi Thạch An đều muốn tìm mua ít hộp thạch đen về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Gần đây, nhiều cơ sở còn cho ra mắt thêm món bánh thạch đen nhân đậu xanh, sản phẩm mới này bán rất chạy
Anh Nguyễn Văn Bảo (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) tự nhận mình là người nghiện món thạch đen Cao Bằng. "Mình hay đi Cao Bằng từ năm 2019 lần nào qua Thạch An cũng ghé vào mua thạch đen. Một năm qua khoảng 10 lần thì lần nào cũng mua vài chục hộp, mua về cho anh em, bạn bè, đồng nghiệp trong công ty. Ăn rất ngon nên lần nào lên là mấy chị em lại gửi mua", anh Bảo nói.
Hiện nay, với diện tích trồng lên tới gần 400 ha, thạch đen còn trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương và nghề làm thạch đen cũng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Với lợi thế vùng nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm thạch đen của Cao Bằng ngày càng có chỗ đứng trên thị trường nhờ nấu theo phương pháp thủ công, không dùng hoá chất vẫn tạo được độ thơm ngon và dẻo, dai.
Những ai đã từng thưởng thức sẽ không bao giờ quên được hương vị thanh mát, bổ dưỡng của món ăn dân dã này
Thạch đen Thạch An (Cao Bằng) ngày càng được nhiều người biết đến và đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, được nhiều khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Thưởng thức miếng thạch giòn, dai và cảm nhận vị ngọt dịu, thanh mát đặc trưng của thiên nhiên vùng cao luôn khiến du khách thích thú và thêm yêu món ăn bình dị của vùng non nước Cao Bằng.
Theo Tuấn Anh/VOV-Đông Bắc - 11/04/2024
https://vov.vn/van-hoa/ve-thach-an-thuong-thuc-dac-san-cua-nui-rung-dong-bac-post1088346.vov