Tình trạng thiếu giáo viên mầm non không chỉ xảy ra ở các trường công lập, ngay tại nhiều trường tự chủ tài chính, trường ngoài công lập có chế độ đãi ngộ tốt hơn nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi chỉ tiêu nhiều, nguồn tuyển giáo viên lại có hạn.
Căn cứ vào số liệu dự báo dân số độ tuổi của Tổng cục Thống kê và theo dự báo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non của các tỉnh, thành phố đã ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự báo, đến năm 2030, cả nước thiếu hơn 55.416 biên chế giáo viên mầm non.
Còn hiện nay, cả nước vẫn thiếu khoảng 50.000 giáo viên, chất lượng cũng chưa đảm bảo. Trong bối cảnh thiếu nhưng các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là giáo viên mầm non. Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và nghề giáo viên mầm non ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập đang thấp nhất trong các cấp học, trong khi giáo viên chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở giáo dục mầm non dài nhất (9-12 giờ mỗi ngày).
Tại nhiều trường mầm non, việc tuyển đủ giáo viên theo sĩ số học sinh cũng đang gặp không ít khó khăn.
Cô Trần Minh Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trường có nhu cầu tuyển từ 10-22 giáo viên. Để tiếp cận với nguồn ứng viên, nhà trường đã đăng tải thông tin tuyển dụng lên các trang mạng xã hội của trường, website cũng như trực tiếp tư vấn tuyển dụng tại các ngày hội việc làm.
Với tổng số học sinh toàn trường là 400 em, để đảm bảo chất lượng dạy và học, mỗi lớp yêu cầu có ít nhất 2 giáo viên, một số lớp cần đến 3-4 giáo viên đứng lớp. Là trường công lập tự chủ tài chính của quận Hoàng Mai, Trường Mầm non Linh Đàm có đầy đủ các chính sách phúc lợi từ bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thân thể, du lịch nghỉ mát hàng năm. Đặc biệt giáo viên cũng sẽ được nhận mức lương, thưởng hấp dẫn hơn nhiều so với các trường công lập khác, giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp đã có thể nhận mức lương cơ bản từ 7-8 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản phụ cấp và thưởng đột xuất, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên.
Cô Trần Minh Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội)
Theo cô Hằng, khó tuyển giáo viên mầm non là thực trạng chung của nhiều cơ sở giáo dục khi nguồn tuyển khan hiếm: “Nghề giáo viên mầm non rất vất vả, nhưng lại chưa có nhiều chính sách quan tâm, ưu ái đúng mực, cũng bởi vậy hiện nay tỷ lệ các bạn trẻ đến với ngành giáo dục mầm non không nhiều. Số lượng sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của các trường mầm non. Trong khi đó, nhiều sinh viên ngành sư phạm mầm non sau khi ra trường cũng không làm đúng nghề mà chuyển sang những ngành khác hay có xu hướng vào các trường ngoài công lập để nhận mức đãi ngộ tốt hơn. Bởi vậy các trường mầm non công lập ngày càng khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên”, cô Hằng nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu, đại diện Vinschool cũng cho biết, hệ thống đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 giáo viên mầm non cho năm học tới nhưng vẫn chưa tuyển đủ. Theo bà Nguyễn Thị Thu, việc tuyển dụng giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn do số lượng sinh viên các trường đào tạo ra chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lệ, đại diện một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Hà Đông cũng cho biết, nhà trường có nhu cầu tuyển 15-20 giáo viên đi làm luôn, song cũng đang trong quá trình tìm kiếm ứng viên.
Cô Lệ cho biết, để đảm bảo nguồn tuyển, hàng năm nhà trường đều liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội để tuyển được những sinh viên mầm non sư phạm phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh các kênh thông tin để đưa các nội dung tuyển dụng tiếp cận gần hơn với ứng viên.
Để tạo động lực giúp giáo viên gắn bó với nghề, nhà trường trả mức lương cơ bản từ 9-12 triệu đồng/thángvới chương trình thường và từ 12-15 triệu đồng/tháng với với giáo viên dạy bằng tiếng Anh. Trường cũng chú trọng các chế độ về bảo hiểm, thưởng theo KPI, thưởng thường xuyên, chế độ trẻ mới, trẻ vượt… Đặc biệt con giáo viên khi học tại trường sẽ được miễn phi 100% toàn bộ học phí và chi phí học tập.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, một trong những vấn đề "nóng" cần quan tâm là giải quyết hiện nay là thiếu giáo viên. Giáo viên mầm non thiếu nhưng dù có chỉ tiêu tuyển dụng cũng không tuyển dụng được vì thiếu nguồn tuyển. Bà Vũ Thu Hà cho rằng, cần có giải pháp để có lộ trình đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng giáo viên.
Lý giải về nguyên nhân thiếu giáo viên mầm non, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, với các ngành đào tạo giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, các địa phương trên cả nước đều đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Hiện nay khi áp dụng Nghị định 116, việc đặt hàng giao nhiệm vụ của các địa phương khá ít. Khi địa phương đã “đặt hàng”, sinh viên được hưởng chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt, sau khi tốt nghiệp sẽ phải cam kết phục vụ cho hệ thống trường tại địa phương. Việc này cũng khiến các trường ngoài công lập gặp nhiều cạnh tranh hơn khi tuyển dụng giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội
Đơn cử như tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, hàng năm UBND TP Hà Nội đặt hàng từ 750-800 sinh viên sư phạm, chỉ tiêu tuyển sinh của trường cũng vừa bằng con số này. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 30% sinh viên có điều kiện kinh tế tốt, hoặc không muốn phải cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, các em từ chối nhận các khoản trợ cấp theo quy định tại Nghị định 116, vẫn đóng học phí như những ngành ngoài sư phạm khác. Với nhóm này, sinh viên có thể công tác tại các trường quốc tế, trường ngoài công lập sau khi tốt nghiệp.
“Trung bình mỗi năm có khoảng 250-300 em sinh viên từ chối nhận trợ cấp, các em không cần cam kết làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập tại địa phương. Tuy nhiên con số này cũng chưa “thấm” so với nhu cầu rất lớn của các trường ngoài công lập hiện nay. Do đó 100% sinh viên sư phạm của trường tốt nghiệp đều có việc làm ngay”, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân cho biết.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuân, việc các cơ sở giáo dục mầm non khó tuyển giáo viên còn xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp, công việc vất vả, trong khi đó chế độ đãi ngộ, mức lương chưa thực sự đảm bảo để giáo viên yên tâm cống hiến, gắn bó với nghề. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sinh viên ít chọn sư phạm mầm non khi vào đại học.
Ngoài ra, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, quy định chuẩn trình độ giáo viên, với bậc mầm non giáo viên cần có trình độ từ cao đẳng trở lên, thay vì trung cấp như trước đây. Như vậy số lượng các trường đào tạo giáo viên mầm non cũng bị thu hẹp lại ở các trường cao đẳng địa phương, đại học, chỉ tiêu đào tạo cũng bị giảm theo.
Để giải bài toán thiếu giáo viên mầm non hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân cho rằng cần thêm những chính sách đặc thù về chế độ lương thưởng để giáo viên mầm non có thể gắn bó với nghề.
Theo Nguyễn Trang- CTV Linh Thương/VOV.VN - 12/04/2024
https://vov.vn/xa-hoi/kho-tuyen-giao-vien-mam-non-du-tra-luong-cao-post1088494.vov