Hôm nay (15/4) đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột đẫm máu tại Sudan giữa Quân đội nước này và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Cuộc xung đột đã khiến gần 15.000 người thiệt mạng. 8,5 triệu người phải di dời, trong đó 1,8 triệu người phải chạy sang các nước láng giềng, khiến đây trở thành một trong những cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất và phức tạp nhất thế giới. Trong khi đó mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột tới nay đều lâm vào bế tắc.
Rạng sáng 15/4/2023, người dân thủ đô Khartoum bàng hoàng thức giấc vì tiếng súng và tiếng nổ dữ dội trong các cuộc giao tranh giữa Quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự. Giờ đây, cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 2 nhưng quốc gia Bắc Phi này vẫn đứng trước tương lai bất định khi lập trường của các bên tham chiến vẫn cách xa nhau.
Người tị nạn Sudan tại một bệnh viện ở Adre, Chad. Ảnh: Reuters
Là một trong số hàng triệu người chạy trốn cuộc chiến ở Sudan đến Ai Cập cách đây 1 năm, anh Mohamed Ismail cho biết cuộc sống của anh giờ chỉ xoay quanh việc làm thế nào để lo đủ ăn cho 5 đứa con nhỏ với đồng lương ít ỏi 100 đôla mỗi tháng kiếm được tại một nhà máy giấy ở Giza:
“Tôi và bọn trẻ rời Sudan, đi theo con đường ven biển và lên những chiếc ô tô chờ lậu người sang Ai Cập. Điều chúng tôi quan tâm hơn cả lúc này là đủ ăn cho bọn trẻ và đảm bảo chúng được an toàn. Một trong những đứa nhỏ, Sahel, 7 tuổi đến tận giờ vẫn ngủ với tôi do ám ảnh tâm lý. Những tiếng nổ khiến nó sợ hãi. Nó vẫn hay giật mình tỉnh giấc vào ban đêm”.
Còn đối với chị Mawadh Mohamed, từng là một giáo viên khi còn ở Sudan, cuộc sống của chị đã thay đổi. Chị đã bắt đầu dạy học cho những đứa trẻ cũng phải di dời do xung đột ở Sudan, với hi vọng tương lai của các em không chỉ có chiến tranh và đói nghèo.
“Một năm đã trôi qua, mọi người vẫn đang phải đối mặt với những điều kiện sống khắc nghiệt. Điều kiện kinh tế nói chung khó khăn. Có những người không khả năng trả tiền thuê nhà dù chỉ 1 ngày”.
Theo Trưởng Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc tại Sudan, chiến tranh đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo và di dời tồi tệ nhất trên thế giới, song đây cũng là một trong những cuộc khủng hoảng bị lãng quên bất chấp những tác động, hậu quả và sự đau khổ mà nó gây ra cho người dân Sudan:
"Khi chúng ta đánh dấu một năm xung đột tàn khốc, một cột mốc nghiệt ngã theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, tôi kêu gọi các bên tham chiến tại Sudan bảo vệ dân thường và đảm bảo quyền tiếp cận nhân đạo không bị cản trở… Ước tính có khoảng 730.000 trẻ em đang bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Những con số này chỉ nói lên một nửa câu chuyện. Mỗi gia đình phải chịu đau khổ vì cuộc chiến đang diễn ra sẽ sống mãi với những ký ức cay đắng về những khó khăn cùng cực".
Pháp, Đức và Liên minh châu Âu hôm nay đồng chủ trì một hội nghị quốc tế về hoà bình Sudan ở thủ đô Paris nhằm thúc đẩy việc chấm dứt xung đột và tăng cường nguồn viện trợ cho Sudan. Hiện các bên mới chỉ huy động được 6% trong tổng số 2,7 tỷ USD cần cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, nếu giao tranh không dừng lại và việc tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo tiếp tục bị cản trở, cuộc khủng hoảng ở Sudansẽ trở nên tồi tệ hơn và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.
Theo Thu Hoài/VOV1 - 15/04/2024
Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/tron-1-nam-xung-dot-sudan-truoc-tuong-lai-bat-dinh-post1089188.vov