Theo nhiều chuyên gia, để lựa chọn ngành, nghề đúng khi đăng ký xét tuyển đại học, trước hết thí sinh cần xác định rõ mục tiêu dựa trên “3H”: Hiểu mình, hiểu ngành nghề và hiểu cơ sở đào tạo.
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, năm 2024, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17h00 ngày 30/7.
Thời điểm này, ngoài việc ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi riêng của các trường đại học, không ít thí sinh vẫn băn khoăn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Tư vấn về việc chọn ngành, nghề cho thí sinh, TS Nguyễn Duy Nhiên, Trưởng khoa Triết học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lưu ý, để lựa chọn đúng, trước hết thí sinh cần xác định rõ mục tiêu dựa trên nguyên tắc “3H” gồm: Hiểu mình, hiểu ngành nghề và hiểu cơ sở đào tạo. Cụ thể, thí sinh cần hiểu rõ sở thích, đam mê và sở trường của bản thân thuộc lĩnh vực nào. Bên cạnh đó các em cũng cần tìm hiểu những ngành nghề phù hợp với năng lực, tính cách của bản thân và xã hội có nhu cầu trong những năm tới. Đặc biệt, thí sinh cũng cần nghiên cứu kỹ về các cơ sở có đào tạo những ngành này từ đó lựa chọn ra môi trường phù hợp với bản thân.
Khi đã có mục tiêu rõ ràng, các em cần bình tĩnh, tự tin chia nhỏ mục tiêu thành từng phần. Dựa trên số thời gian còn lại, thí sinh nên chia theo từng tuần, mỗi tuần hoàn thành một nội dung ôn tập cụ thể để đạt được ngưỡng điểm mong muốn.
Thầy Nhiên lấy ví dụ, để đạt mục tiêu 9 điểm môn Toán, các em cần chia nhỏ thành từng tuần ôn tập, tuần thứ nhất có thể là 8,1-8,2 điểm, nhưng ở những tuần sau, số điểm mục tiêu cần đạt sẽ tăng dần.
Đồng quan điểm, cô Đặng Thị Ngọc Quyên, Trưởng phòng hợp tác, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam cũng cho rằng, chọn một ngành học như chọn người bạn đời. Thí sinh cần thực hiện theo các bước gồm hiểu về bản thân, có những điểm mạnh yếu như thế nào, điều kiện hoàn cảnh, vấn đề xung quanh; hiểu ngành, hiểu trường mà mình theo học trong tương lai như thế nào, chương trình dạy ra sao… Đặc biệt, các em cũng nên trải nghiệm, gặp gỡ những trường dự kiến thi vào, các ngành nghề định chọn, thu thập tất cả thông tin các bước trên, lập bảng kế hoạch và ra quyết định.
Nói về xu hướng lựa chọn ngành "hot" trong những năm gần đây của nhiều thí sinh, thầy Bùi Xuân Thành, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT cho biết, do xu hướng xã hội và nhu cầu của thị trường lao động, nên nhiều thí sinh thường đăng ký vào những ngành được coi là đang “hot” hiện nay. Tuy nhiên, thầy Thành cũng lưu ý, việc lựa chọn ngành “hot” cũng cần phù hợp với năng lực của từng thí sinh: “Nếu các em đều đổ xô vào những ngành “hot”, trong 4-5 năm sau khi ra trường sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường lao động. Nhưng nếu các em có năng khiếu, năng lực ở lĩnh vực, ngành nghề đó thì vẫn nên mạnh dạn đăng ký vì vẫn có cơ hội việc làm tốt”.
Thầy Bùi Xuân Thành dự báo, những ngành được thí sinh quan tâm nhiều những năm gần đây và vẫn có nhu cầu nhân lực cao trong thời gian tới như công nghệ thông tin, AI, logistic, quản trị kinh doanh hay ngành khá mới như vi mạch bán dẫn…
Thí sinh cần nắm chắc các mốc thời gian quan trọng
Lưu ý thí sinh về đăng ký xét tuyển đại học năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm 2024, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Thí sinh có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối internet.
“Các em cần theo dõi kỹ, bám sát lịch trình không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng bởi hệ thống không thể chờ đợi 1 vài thí sinh quay trở lại những khâu trước đó.
Bên cạnh đó khi tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó. Khi các em được thông báo rằng đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi chúng ta chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức.
Tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT cho phép các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Do đó thí sinh nên đăng ký các nguyện vọng yêu thích nhất, đam mêm nhất ở phía trên, điều này đảm bảo các em sẽ trúng tuyển vào các nguyện vọng cao nhất, tốt nhất trong số những nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh tham gia xét tuyển sớm và đã trúng tuyển xét tuyển sớm lưu ý không phải xác nhận nhập học ngay. Việc nhập học hay không sẽ tùy thuộc vào hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT xác định em đỗ ở nguyện vọng nào. Các nguyện vọng có thể bao gồm cả xét tuyển sớm, cả các phương thức truyền thống với cơ sở dữ liệu được nhập một cách đồng bộ lên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, hiện nay theo quy chế của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ không cần lựa chọn phương thức xét tuyển, mà chỉ chọn ngành, trường mong muốn theo học. Tiếp đó, hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ tự động rà soát dữ liệu các em đang có để xem xét vào ngành, trường đó.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN – 17/4/2024
https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-bat-mi-3h-khi-chon-nganh-nghe-thi-sinh-can-ghi-nho-post1089549.vov