Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta. Đã 70 năm trôi qua, nhưng những ký ức về một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên như mới ngày nào trong tâm trí của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa.
Tham gia ngay từ những ngày đầu quân ta mở chiến dịch Điên Biên Phủ, Cựu chiến binh Lê Văn Do, thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo thuộc Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Trong đợt 1 của chiến dịch, đơn vị ông Do được giao đánh dự bị và làm nhiệm vụ xây dựng giao thông hào, nhằm tạo thuận lợi cho quân ta cơ động di chuyển, giữ bí mật tiếp cận các cứ điểm.
Trong đợt tiến công lần thứ 2 của chiến dịch, đơn vị ông Lê Văn Do được lệnh tiến đánh đồi C1. Trước hỏa lực mạnh của địch, việc tiến công của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, hai bên chiến đấu giằng co ác liệt. Chính trong trận đánh này, chiến sĩ Lê Văn Do đã bị thương nặng ở bắp đùi và cánh tay.
Cựu chiến binh Doãn Văn Khiết ở thôn Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc là Đại đội trưởng Đại đội 320, Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đợt tiến công lần 3 của chiến dịch, dù bị hỏa lực của địch bắn phá ác liệt, nhưng với sự mưu trí, dũng cảm, ông Khiết đã chỉ huy đơn vị đánh chiếm được cứ điểm 506.
Với việc tiêu diệt cứ điểm 506, quân ta đã hoàn toàn kiểm soát được tuyến đường 41, tạo điều kiện thuận lợi để tiến thẳng tới bộ chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Ngay sau thắng lợi quan trọng này, rất nhanh chóng quân ta đã hoàn toàn làm chủ thế trận ở Điện Biên Phủ.
Với “56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn”, quân và dân ta đã làm nên một Điên Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, thiên hùng ca bất hủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Lưu Trường