Hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, nhiều fanpage tung ra các gói khuyến mại như miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch được các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp uy tín đưa ra thì không ít người đã vỡ mộng khi gặp phải những fanpage giả lừa đảo khách hàng.
Mùa hè là thời điểm nhu cầu du lịch của người dân tăng cao nên các đối tượng lừa đảo thường sử dụng thủ đoạn giả mạo công ty lữ hành, phòng vé máy bay để bán tour, đặt phòng khách sạn, bán vé máy bay với giá rẻ nhằm chiếm đoạt tài sản. Không ít người đã bị các đối tượng lừa từ vài triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong quý I/2024, đã ghi nhận gần 4000 phản ánh của người dân liên quan đến lừa đảo trực tuyến, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Số website giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trực tuyến đã lên tới gần 125 nghìn địa chỉ. Trong đó chủ yếu giả mạo website các ngân hàng, tổ chức tài chính, trang thương mại điện tử, doanh nghiệp lớn, cơ quan Nhà nước, dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài ngày, các đối tượng xấu có thể gia tăng các thủ đoạn lừa đảo
Để tránh bị lừa, người dân có nhu cầu đặt tour du lịch cần tìm hiểu kỹ thông tin, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, vé máy bay của những công ty du lịch uy tín hoặc qua các app du lịch chính thức. Để yên tâm hơn, có thể đề nghị phía công ty du lịch cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và các giấy tờ liên quan...
Trước khi đăng ký tour, khách hàng nên yêu cầu công ty lữ hành cung cấp chi tiết, cụ thể về thời gian, phương tiện di chuyển, các địa điểm tham quan, khách sạn, tiêu chuẩn bữa ăn, bảo hiểm... Cần hết sức cảnh giác với các tour du lịch giá rẻ, giảm giá “sốc”; tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa rõ thông tin chứng thực.
Tạ Hương