Liên tiếp các vụ lừa đảo trực tuyến với số tiền lớn lên đến hàng trăm tỉ đồng xảy ra thời gian gần đây, mặc dù lực lượng chức năng cũng như cơ quan truyền thông liên tục cảnh báo.
Lừa đảo trực tuyến với nhiều vụ việc có giá trị không nhỏ vẫn tiếp diễn.
Mới đây, công an quận Hà Đông, Hà Nội đang điều tra vụ việc bà P (sinh năm 1956) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Người này nói rằng bà P bị nghi ngờ có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà chuyển tiền trong tài khoản để phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giữ. Do lo sợ nên bà P đã thực hiện 32 lần chuyển tiền, tổng cộng 15 tỉ đồng cho đối tượng. Sau khi nghi ngờ mình bị lừa, bà mới thông báo cho cơ quan công an.
Ngay đầu tháng 4, bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng trình báo bị lừa đảo số tiền lên tới hơn 170 tỉ đồng…
Thận trọng với chiêu thức thao túng tâm lý
Nhận xét về các vụ lừa đảo với số tiền rất lớn xảy ra trong thời gian gần đây, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cho biết kẻ xấu thường sử dụng thủ đoạn dọa dẫm về pháp lý, nhắm vào các phụ nữ lớn tuổi - những người dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi bị cáo buộc vi phạm pháp luật.
Để có thể đe dọa khiến nạn nhân tin tưởng, kẻ xấu trước đó đã thu thập nhiều thông tin về nạn nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, người thân. Những thông tin này có thể mua ở “chợ đen” trên mạng internet.
Các nạn nhân khi bị thao túng tâm lý thường dễ dàng nghe theo các yêu cầu của kẻ xấu, kể cả chuyển hết tiền trong tài khoản. Vì thế có những người đã bị mất những số tiền rất lớn.
Theo các chuyên gia, một số người sau khi bị lừa đảo sẽ có cảm giác xấu hổ, không nghĩ rằng mình lại bị rơi vào tình huống dễ dàng như vậy. Một số người sẽ chọn cách im lặng và cũng có người sẽ tìm cách lừa lại những đối tượng đã lừa đảo mình để hy vọng lấy lại được tiền. Tuy nhiên những cách làm này đều không đúng. Bởi chúng ta nên biết các đối tượng lừa đảo có thể tiếp tục lừa người khác, do đó cần thông báo rộng rãi để người thân phòng tránh.
“Trong trường hợp bị lừa đảo, tốt nhất người dân hãy trình báo với các cơ quan công an. Nếu quan sát kỹ các tình huống lừa đảo đã xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian vừa qua thì thấy rằng các đối tượng, các vụ việc lừa đảo phần lớn liên quan đến những tổ chức xuyên quốc gia. Cụ thể, các đối tượng nước ngoài thuê người Việt Nam giúp sức và hỗ trợ thực hiện các hành vi lừa đảo người dùng. Thậm chí, chúng đưa những công nghệ, thiết bị từ nước ngoài vào Việt Nam để những đối tượng trong nước giúp sức cho chúng như deepfake, các trạm BTS giả mạo…”, ông Vũ Ngọc Sơn cho hay.
Lý giải nguyên nhân vì sao cơ quan chức năng và nhiều phương tiện truyền thông đã nhắc đến rất nhiều các trường hợp bị lừa đảo thời gian qua, song vẫn xuất hiện các vụ việc lừa đảo với con số thiệt hại không nhỏ, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, không phải ai cũng xem được những cảnh báo trên truyền thông đại chúng hoặc trên internet.
“Điều này cho thấy truyền thông cần phải tuyên truyền nhiều và sâu rộng hơn nữa. Qua các vụ việc được ghi nhận cho thấy, nạn nhân của các vụ lừa đảo không giới hạn lứa tuổi, trình độ, từ trẻ em cho đến người già đều có thể trở thành đối tượng bị lừ đảo. Đối với mỗi lứa tuổi, kẻ xấu sẽ có chiêu thức lừa đảo khác nhau”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu ý kiến.
Theo giới chuyên gia, các hình thức lừa đảo trực tuyến trong thời gian qua không mới, tuy nhiên khi vào trong những tình huống và cá nhân cụ thể, vẫn có người bị lừa. Thống kê của Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, có 24 hình thức lừa đảo phổ biến trong thời gian qua tại Việt Nam.
Phần mềm miễn phí cảnh báo lừa đảo cho người dân trên smartphone
Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết, để giúp hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã nghiên cứu phát triển phần mềm cảnh báo lừa đảo. Phần mềm này sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân từ tháng 7/2024. Ứng dụng có trên cả 2 nền tảng iOS và Android để người dùng có thể cài đặt lên điện thoại thông minh (smartphone).
Phần mềm cảnh báo lừa đảo trực tuyến dự kiến sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân từ tháng 7
“Phần mềm được phát triển dựa trên số liệu thu thập về các trường hợp lừa đảo xảy ra trong những năm qua. Ưu điểm của phần mềm là liên kết với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, các tổ chức trên thế giới, các công ty an ninh mạng tại Việt Nam, có thể nhanh chóng kiểm tra và đưa ra khuyến cáo đối với “danh sách đen” đã được thống kê trong cơ sở dữ liệu”, ông Sơn cho hay.
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia hy vọng phần mềm này là một công cụ hữu ích phòng, chống lừa đảo giúp cho người dân. Tuy nhiên, chuyên gia an ninh mạng cũng nhấn mạnh rằng công cụ phần mềm chỉ mang tính hỗ trợ, không thể ngăn chặn lừa đảo 100%.
“Khi người dùng cần chuyển khoản đến một tài khoản lạ, phần mềm sẽ giúp kiểm tra xem tài khoản kia có nằm trong “danh sách đen” được thống kê hay không. Tuy nhiên nếu phần mềm đã cảnh báo mà người dùng vẫn tiếp tục chuyển tiền, thì rõ ràng phần mềm sẽ không có tác dụng trong trường hợp này”, ông Sơn nêu ví dụ.
Theo giới chuyên gia, công cụ phần mềm chỉ mang tính hỗ trợ, người dân vẫn cần trang bị các kiến thức tối thiểu về an ninh mạng và lừa đảo trực tuyến để tránh bị kẻ xấu lừa đảo gây thiệt hại về tài chính.
Theo Vân Anh/VOV.VN – 11/5/2024
https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-chi-cach-phong-ngua-lua-dao-truc-tuyen-so-tien-lon-post1094311.vov