Các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc lo lắng, ca Huế bị pha tạp khi trình diễn cho du khách. Ca Huế bị “bôi bác” bởi một số người mang danh nghệ sĩ ca Huế tự chế những lời mới thô tục thay vì điệu ca, lời cổ và phá nát âm hưởng ca Huế. Để “dẹp loạn ca Huế pha tạp” này, ngày 13/5/2024, các thuyền du lịch có tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt các camera giám sát tại khu vực biểu diễn kết nối với hệ thống thông tin của Sở VHTT Thừa Thiên Huế và Tổ kiểm tra liên ngành về ca Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế. (Ảnh: Du lịch khám phá)
Điệu ca gần 4 thế kỷ
Ca Huế đã có hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân (Thừa Thiên Huế hiện nay). Ca Huế được xác định là loại hình âm nhạc thính phòng bác học mang giá trị độc đáo, có hệ thống bài bản chặt chẽ, có xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên mang phong cách sang trọng, tao nhã, có sự kết hợp nhuần nhuyễn với các làn điệu dân ca của âm nhạc dân gian. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, ca Huế đã hình thành và phát triển song hành với những sinh hoạt âm nhạc cung đình từ thời các chúa Nguyễn cho đến các vua Nguyễn, trải dài suốt mấy thế kỷ. Trích dẫn tác phẩm của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) - nhà nghiên cứu cho biết ca Huế đã từng được ghi chép có từ thời Đức Hiếu Minh (tức chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1675-1725).
Ca Huế được xây dựng trên 3 điệu chính gồm điệu Bắc (Khách) với chất nhạc tươi vui, trong sáng, sang trọng bao gồm 10 bản Ngự và 3 bản lẻ là Cổ bản, Hành vân và Lưu thủy, điệu Nam với tính chất buồn thương, bi ai, vương vấn, tiêu biểu là các bản Nam ai, Nam bình, Tứ đại, Phủ lục. Ngoài 3 điệu chính trên, ca Huế còn có một cách hát làm thay đổi tính chất các bài bản được gọi là hơi dựng.
Ca Huế là sự kết hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc trong một hệ thống những bài bản có cấu trúc chặt chẽ, chuẩn mực. Người ta thường hay sử dụng các dàn nhạc tứ tuyệt, ngũ tuyệt hoặc lục tuyệt với hai chức năng chính là hòa tấu và đệm. Tuy nhiên, nghệ thuật hòa âm đặc trưng của nhạc đệm trong ca Huế là dàn ngũ tuyệt (tranh, nguyệt, bầu, tỳ, nhị) được coi là dàn nhạc đệm chỉnh chu nhất.
“Trong ba dòng nhạc thính phòng của Việt Nam, ca trù (miền Bắc) và đờn ca tài tử (Nam bộ)... đều đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì ca Huế (Trung bộ) chỉ mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng ngậm ngùi.
Dẹp loạn ca Huế “pha tạp”
Những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ca Huế gắn với phát triển du lịch để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 12 doanh nghiệp đang hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, với gần 520 nhạc công và diễn viên. Du thuyền rồng và nghe ca Huế trên sông Hương là sản phẩm du lịch độc đáo luôn hấp dẫn du khách khi đến Cố đô Huế. Du khách thả hồn bềnh bồng trên dòng sông Hương, ngắm nhìn cầu Trường Tiền, cảnh sắc thành phố đôi bờ về đêm; đắm chìm trong thanh âm của các loại nhạc cụ truyền thống, câu hát, điệu hò xứ Huế…
Từ khi du lịch Huế bắt đầu phát triển, ca Huế được đưa xuống thuyền, neo giữa dòng sông Hương để khách thưởng thức những làn điệu cổ truyền, làm nên một môi trường diễn xướng mới rất độc đáo, trở thành một “đặc sản” du lịch của Huế.
Ca Huế rất kén chọn không gian diễn xướng. Tiếng ca, điệu nhạc chỉ lột tả được thần thái của ca Huế khi được cất lên trong những phòng khách trang trọng, những lòng thuyền tao nhã với số lượng người nghe vừa phải, có người tri âm, tri kỷ, có trình độ thưởng thức. … Nhưng giờ đây, hình thức thưởng thức chính của du khách là “nhìn” các ca sĩ, nhạc công trẻ tuổi đầy hấp dẫn, còn yếu tố “nghe” chỉ là phụ đã khiến ca Huế có nguy cơ phát triển méo mó, lệch lạc chất lượng.
|
Du thuyền rồng và nghe ca Huế trên sông Hương là sản phẩm du lịch độc đáo luôn hấp dẫn du khách khi đến Cố đô Huế. (Ảnh: Nguyễn Luân)
|
Các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc lo lắng, ca Huế bị pha tạp trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc Nguyễn Xuân Hoa cho hay: “Không gian biểu diễn ca Huế hiện nay trên những chiếc thuyền “mạo danh thuyền rồng”. Có hiện tượng, một số diễn viên, nhạc công ca Huế muốn tạo tiết tấu réo rắt để gây hấp dẫn du khách, đã đẩy nhanh tốc độ nhiều làn điệu, bài bản, vô tình phá nát sự tinh tế, trang trọng của ca Huế, có nguy cơ dẫn đến làm biến chất ca Huế. Các nhạc công học qua loa, đối phó, chưa thật sự khổ luyện. Họ chỉ cần chơi nhuyễn một số bài để đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định để được cấp giấy phép rồi nghiễm nhiên trở thành “ca sĩ” đi diễn, “kiếm ăn”.
Ca Huế còn bị “bôi bác” bởi những người mang danh nghệ thuật ca Huế. Họ tự chế những lời mới phản cảm thay vì điệu ca, lời cổ. Và để gây cười cho du khách, họ chế: “Anh về thưa với mẹ cha, tháng Năm ta cưới mà tháng Mười sinh con”, sau đó lại “chua” thêm câu nói “Rứa là mình ăn cơm trước kẻng tề”!
Ca sĩ mải chạy sô, chỉ biểu diễn ca Huế bằng “khẩu ca” chứ không phải bằng “tâm ca”. Các bầu sô đêm nhạc Huế ở sông Hương mải bắt khách, ghép khách trên thuyền khiến ca Huế bị lai tạp, gây thất vọng cho người yêu ca Huế thực thụ. Vì phải chạy show toát mồ hôi trán nên ca sĩ hát quấy quá cho xong chuyện, hợp đồng là một tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng chương trình chỉ còn 45 phút, hát 6 bài “ tân cổ giao duyên” là đò cập bến khiến nhiều du khách thất vọng và hiểu sai giá trị của ca Huế.
Để bảo vệ, giữ gìn, tôn vinh ca Huế, các ngành chức năng Huế đang tìm nhiều biện pháp mạnh để “dẹp loạn ca Huế pha tạp” này. Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành “Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc, quý báu này. Theo đó, các ngành chức năng tỉnh sẽ: Tổ chức ít nhất 2 Liên hoan nghệ thuật ca Huế cấp tỉnh vào dịp
Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế hoặc kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam; Tổ chức 01 hội thảo khoa học quốc tế về nghệ thuật ca Huế; Hằng năm, mở ít nhất 02 lớp đào tạo chuyên ngày liên quan đến nghệ thuật ca Huế tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế; Hằng năm tổ chức ít nhất 2 lớp bồi dưỡng cho các diễn viên, nghệ nhân về kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật ca Huế; Duy trì các câu lạc bộ ca Huế hiện đang sinh hoạt gồm: Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, Trung tâm Văn hóa thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Bảo tàng văn hóa Huế (CLB Ca Huế thính phòng), CLB ca Huế Nguyễn Thị Lợi… đồng thời, xem xét thành lập và phát triển Câu lạc bộ ca Huế tại các địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong đời sống đương đại.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định về Quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/5/2024. Theo đó, chương trình biểu diễn ca Huế phải được Sở VHTT thẩm định, chấp thuận tổ chức biểu diễn theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời, chương trình biểu diễn ca Huế phải niêm yết tại các địa điểm bán vé kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn ca Huế, trên thuyền ca Huế và giới thiệu cho khách trong quá trình biểu diễn.
Điểm mới của quy chế này là các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp từ 2 đến 3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn (có lưu trữ dữ liệu tối thiểu 7 ngày). Các camera này được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý Sở VHTT tỉnh, Tổ liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế trên địa bàn. Phạm vi neo đậu thuyền khi biểu diễn ca Huế trên sông Hương là từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên và vị trí neo đậu khi biểu diễn bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa các thuyền là 50m...
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các thuyền du lịch tuân thủ quy định về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ, phao cứu sinh, áo phao, các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan trước và trong quá trình vận chuyển khách tham gia chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương.
Hoạt động biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh được tổ chức từ 8 giờ đến 24 giờ trong ngày. Và địa điểm bán vé bố trí tập trung tại bến thuyền Tòa Khâm, niêm yết giá vé đã đăng ký tại cơ quan thuế đối với chương trình biểu diễn và vé bán lẻ để du khách nắm rõ và lựa chọn. Ca Huế thính phòng khai thác các không gian văn hoá, di sản và các thiết chế văn hoá khác phải bảo đảm tính trang trọng phù hợp với nội dung biểu diễn ca Huế và mang đậm đặc trưng văn hoá Huế. Ca Huế trên sông Hương phải có không gian biểu diễn trên thuyền thông thoáng, bảo đảm vệ sinh; các mặt hàng lưu niệm bày bán trên thuyền phải được bố trí khu vực riêng, không làm ảnh hưởng đến chương trình biểu diễn, các mặt hàng phải được niêm yết giá công khai; không trưng bày, đặt để các vật dụng sinh hoạt gia đình; chỉ trang trí các tranh ảnh phù hợp với không gian diễn xướng ca Huế…
Theo baophapluat.vn - 12/05/2024
https://baophapluat.vn/bao-ve-khong-gian-dien-xuong-cho-ca-hue-post512205.html