Việc Nga mở mặt trận mới trong cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến lập trường của một số quan chức Mỹ lung lay đối với lệnh cấm Kiev sử dụng vũ khí do Washington sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Bước ngoặt làm lung lay lập trường của Nhà Trắng
Kể từ những đợt vận chuyển vũ khí tiên tiến đầu tiên tới Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa bao giờ từ bỏ một lệnh cấm: Đó là Tổng thống Volodymyr Zelensky phải đồng ý rằng sẽ không bao giờ bắn chúng vào lãnh thổ Nga bởi điều này sẽ vi phạm giới hạn mà ông Biden đặt ra để tránh "Thế chiến III".
Tuy nhiên, sự nhất trí về chính sách trên đang lung lay. Được Bộ Ngoại giao thúc đẩy, hiện có một cuộc tranh luận nóng lên trong chính quyền Tổng thống Biden về việc nới lỏng lệnh cấm trên để cho phép Ukraine tấn công các địa điểm phóng tên lửa và pháo năm ngoài biên giới, cụ thể là bên trong lãnh thổ Nga - những mục tiêu mà ông Zelensky cho rằng đã giúp Moscow đạt được những thành quả về lãnh thổ gần đây.
Xung đột ở Ukraine. Ảnh: AFP
Đề xuất trên, được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh sau chuyến thăm Kiev tuần trước, vẫn đang trong giai đoạn hình thành và hiện chưa rõ có bao nhiêu quan chức trong vòng thân cận của Tổng thống Biden sẽ ký thông qua. Nó cũng chưa được chính thức trình cho Tổng thống.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew A. Miller đã từ chối bình luận về những tính toán nội bộ liên quan đến chính sách về Ukraine, trong đó có báo cáo của ông Blinken sau khi trở về từ Kiev.
Tuy nhiên, các quan chức liên quan đến những tính toán này cho biết, lập trường của ông Blinken đã thay đổi bởi Nga mở mặt trận mới trong cuộc xung đột ở Ukraine. Các lực lượng của Moscow đã triển khai vũ khí dọc biên giới từ phía Đông Bắc Ukraine và nhắm vào các lực lượng của Kiev ở Kharkiv bởi Nga biết rằng Ukraine chỉ có thể sử dụng các UAV cũng như vũ khí không do Mỹ sản xuất để nhắm vào các mục tiêu của họ.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công vào tàu chiến, các cơ sở dầu mỏ và nhà máy điện của Nga nhưng chủ yếu tiến hành bằng các UAV do nước này tự sản xuất, vốn không có sức mạnh và tốc độ bằng các vũ khí của Mỹ. Nga cũng đang bắn hạ các UAV, tên lửa hoặc làm chệch hướng chúng nhờ các công nghệ tác chiến điện tử được cải tiến.
Hiện nay, sức ép lên Mỹ ngày càng gia tăng nhằm hỗ trợ Ukraine nhắm vào các địa điểm quân sự của Nga, thậm chí cả khi Washington muốn duy trì lệnh cấm tấn công vào các cơ sở lọc dầu và cơ sở hạ tầng của Nga bằng các vũ khí do Mỹ cung cấp. Anh, vốn thường nhất trí với Washington về chiến lược, đã lặng lẽ dỡ bỏ lệnh cấm của mình, do đó các tên lửa hành trình Storm Shadow có thể được sử dụng để nhắm vào Nga ở quy mô rộng rãi hơn.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết trong chuyến thăm Kiev trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken rằng Ukraine "hoàn toàn có quyền tấn công đáp trả Nga".
Nhà Trắng có nghĩ lại việc Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công vào Nga?
Mỹ hiện đang cân nhắc huấn luyện cho quân đội Ukraine ở lãnh thổ nước này thay vì đưa họ tới khu vực huấn luyện ở Đức. Quyết định này sẽ yêu cầu đưa các chuyên gia quân sự Mỹ tới Ukraine, điều mà cho tới nay vẫn nằm trong lệnh cấm của ông Biden. Điều đó cũng đặt câu hỏi về việc Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu các chuyên gia này, có thể sẽ được bố trí ở gần thành phố Lviv, bị tấn công. Nga đã nhiều lần nhắm vào Lviv mặc dù nó nằm xa các khu vực giao tranh chính.
Một dấu hiệu dịch chuyển nữa cũng diễn ra trong những ngày gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin, trong khi nhắc lại lập trường của chính quyền Tổng thống Biden rằng "mong muốn của chúng tôi là Ukraine tiếp tục sử dụng các vũ khí mà chúng tôi cung cấp để nhắm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine”, đã đề cập đến việc có thể sẽ có một số ngoại lệ đối với các chiến đấu cơ hoạt động an toàn trên lãnh thổ Nga ở ngay biên giới, giúp cho các phi công nước này thả bom lượn vào phía Đông Ukraine.
Trong khi đó, tuần này, Nga bắt đầu tập trận vũ khí hạt nhân chiến lược. Truyền thông Nga cho biết, động thái trên là nhắm "phản ứng trước những tuyên bố khiêu khích và mối đe dọa từ các quan chức phương Tây nhằm vào Nga".
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã bình luận công khai rằng chính quyền Tổng thống Biden cần dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất nhằm vào các mục tiêu bên trong nước Nga.
"Tôi nghĩ nếu các cuộc tấn công đang đến trực tiếp từ bên ngoài biên giới, ở trong lãnh thổ Nga thì những căn cứ này phải là một trò chơi công bằng", bà Victoria Nuland nhận định với ABC ngày 19/5.
"Tôi nghĩ đã đến lúc làm điều đó bởi Nga rõ ràng đã leo thang xung đột", bà Nuland nói, đồng thời cho biết “cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv là một nỗ lực phá hủy nó mà không cần đưa quân tới thực địa. Vì thế, tôi nghĩ đã đến lúc cung cấp cho Ukraine nhiều sự hỗ trợ hơn để tấn công các căn cứ bên trong nước Nga".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với New York Times tuần này, Tổng thống Zelensky đã bác bỏ nguy cơ leo thang khi cho rằng Tổng thống Putin vốn đã leo thang xung đột. Ông cũng cho rằng sẽ khó có khả năng Điện Kremlin thực hiện lời đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Biden và một số quan chức Mỹ rõ ràng đã không bị thuyết phục bởi lập luận trên. Họ tin rằng có một số lằn ranh đỏ mà nếu vượt qua sẽ khiến Tổng thống Putin phản ứng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Washington không biết lằn ranh đó là gì hay phản ứng của Moscow ra sao.
Trong cuộc thảo luận kín với ông Blinken tuần trước và trong cuộc trả lời phỏng vấn với Times, Tổng thống Zelensky cho biết trong giai đoạn cam go này của cuộc xung đột, việc được phép sử dụng vũ khí Mỹ nhằm vào các đơn vị của Nga là rất quan trọng.
"Đây là một phần trong hoạt động phòng thủ của chúng tôi. Làm thế nào chúng tôi có thể tự vệ trước các cuộc tấn công trên? Đây là cách duy nhất", ông Zelensky nói với New York Times.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) – 24/5/2024
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/buoc-ngoat-lam-lung-lay-lap-truong-cua-my-ve-ukraine-dung-vu-khi-tan-cong-vao-nga-post1097067.vov