Thực hiện Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 25/01/2024 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 năm 2024, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, từ đó chấp hành và tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hạn chế, phòng ngừa các vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và quản lý nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
b) Cuộc thi nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024.
2. Yêu cầu
a) Cuộc thi cần được tổ chức với tinh thần nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả; huy động sự tham gia đông đảo của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
b) Có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức cuộc thi.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, NỘI DUNG THI
1. Phạm vi cuộc thi: Cuộc thi được tổ chức trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Đối tượng
Là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên đang sinh sống, công tác, lao động và học tập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (trừ thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ thư ký và bộ phận trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi).
3. Hình thức thi: Thi viết.
4. Nội dung thi: Các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Tố cáo; pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các quy định của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những gương điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng…
III. THỜI GIAN TỔ CHỨC CUỘC THI
1. Công tác chỉ đạo triển khai (Từ 20/5/2024 đến 20/6/2024)
a) Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức cuộc thi đến các sở, ban, ngành, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
b) Thành lập Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh; xây dựng thể lệ, câu hỏi cuộc thi.
c) Phát động cuộc thi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia cuộc thi.
d) Đăng tải thông tin về cuộc thi trên các trang Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các phương tiện truyền thông khác.
2. Tổ chức làm bài dự thi (Từ 20/6/2024 đến 20/9/2024)
Các sở, ban, ngành, các cơ quan Đảng, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp của tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố vận động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên, người lao động và Nhân dân của cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia cuộc thi đảm bảo hiệu quả.
3. Tổ chức thu bài thi (Từ ngày 23/9/2024 đến 27/9/2024)
a) Cấp tỉnh: Các sở, ban, ngành, các cơ quan Đảng, đoàn thể và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nộp bài dự thi về Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Ban Tổ chức cuộc thi.
b) Cấp huyện: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể đóng trên địa bàn huyện, thành phố và Nhân dân cư trú tại địa phương nộp bài về Phòng Tư pháp.
4. Tổ chức chấm bài, tổng kết, trao giải cuộc thi (Từ 01/10/2024 đến 08/11/2024)
a) Từ 01/10/2024 đến 20/10/2024: Ban Tổ chức cuộc thi cấp huyện tổ chức chấm những bài dự thi của địa phương; báo cáo kết quả tổng kết cuộc thi và lựa chọn 20 bài dự thi chất lượng gửi về Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 25/10/2024. Tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi ở địa phương.
b) Từ 15/10/2024 đến 8/11/2024: Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh thành lập Ban Giám khảo, Tổ thư ký tổ chức chấm thi các bài dự thi của các cơ quan cấp tỉnh; bài dự thi chất lượng của cấp huyện gửi Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh. Tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi cấp tỉnh.
5. Cơ cấu giải thưởng, câu hỏi cuộc thi: Ban hành kèm theo Thể lệ cuộc thi.
IV. KINH PHÍ
1. Kinh phí tổ chức cuộc thi cấp tỉnh được bố trí từ kinh phí thực hiện Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách địa phương để tổ chức cuộc thi của cấp huyện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp của tỉnh, các cơ quan trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị mình tổ chức cuộc thi đảm bảo hiệu quả theo tiến độ của kế hoạch này.
2. Giao Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh thành lập Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, là cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức cuộc thi; tham mưu giúp Ban Tổ chức cuộc thi hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết cuộc thi theo yêu cầu của kế hoạch này.
3. Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh tuyên truyền về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các nền tảng số.
4. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên thông tin những nội dung liên quan đến cuộc thi trên các chuyên trang, chuyên mục trong thời gian diễn ra cuộc thi.
5. Đề nghị các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của mình tham gia cuộc thi đảm bảo chất lượng hiệu quả.
6. UBND các huyện, thành phố:
a) Căn cứ vào Kế hoạch tổ chức cuộc thi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai cuộc thi tại địa phương.
b) Thành lập Ban Tổ chức cuộc thi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tham gia cuộc thi và thu bài thi theo quy định.
c) Thành lập Ban Giám khảo, Tổ thư ký tổ chức chấm bài, tổng kết và trao giải tại địa phương.
d) Báo cáo kết quả tổ chức cuộc thi và lựa chọn 20 bài dự thi có chất lượng gửi Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Tổ chức cuộc thi theo quy định.
NS