Cập nhật: 04/06/2024 15:21:00
Xem cỡ chữ

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách và mở rộng không gian phát triển của các địa phương. Để thực hiện việc này, Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định và phù hợp với thực tiễn.

Vĩnh Phúc hiện có 136 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 102 xã, 16 phường và 18 thị trấn. Qua thống kê, rà soát, toàn tỉnh có 22 đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên chưa đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo qui định, thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Để triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025. Xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện, bảo đảm phù hợp với thực tiễn góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong giai đoạn 2023-2025, huyện Yên Lạc có xã Hồng Phương thuộc diện phải sắp xếp. Theo Đề án của huyện, xã Hồng Phương sẽ sáp nhập vào xã Hồng Châu để thành lập xã Hồng Châu mới. Để thực hiện nhiệm vụ, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, quán triệt về mục đích, ý nghĩa công tác sắp xếp đơn vị hành chính đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kết hợp phương tiện truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở, tuyên truyền lưu động đến từng khu dân cư và gặp gỡ trực tiếp người dân để đạt được hiệu quả cao nhất, tạo sự đồng thuận của Nhân dân.

Huyện Vĩnh Tường là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, với tổng số 8 xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập với 7 xã, thị trấn liên quan. Để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở các xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, Huyện ủy Vĩnh Tường đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, các ban Đảng cùng các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân nhận thức rõ về chủ trương của Đảng, Nhà nước và lợi ích của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2023 - 2025, thị trấn Thổ Tang mới được thành lập từ việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, qui mô dân số xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang hiện nay. Ngay khi tiếp nhận chủ trương, đề án dự thảo của huyện, Đảng ủy thị trấn Thổ Tang đã chỉ đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các chi bộ trực thuộc Đảng bộ thị trấn tập trung cao độ cho công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tiến hành các bước theo đúng kế hoạch, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh sẽ có 121 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn; giảm 15 đơn vị, bao gồm 14 xã và 01 phường. Số cán bộ, công chức dôi dư sau khi thực hiện sáp nhập là hơn 200 người. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, khó khăn hiện nay là việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp xã dôi dư này sau sáp nhập. Sở Nội vụ đang tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn liên quan đến bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Đến nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 và có tờ trình trình Chính phủ theo quy định. Vĩnh Phúc phấn đấu trong năm 2024 sẽ hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo quy định. Đồng thời hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.

Lưu Trường