Cập nhật: 05/06/2024 09:12:00
Xem cỡ chữ

Nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển nguồn nhân lực; triển khai đồng bộ các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động.

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Với các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ đào tạo theo quy định; hỗ trợ học trình độ cao đẳng, trung cấp, chương trình chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, người chấp hành xong án phạt tù.

Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Chú trọng tuyển sinh, đào tạo con em các dân tộc thiểu số, vùng miền núi; tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đáp ứng chất lượng đầu ra. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, ngành nghề trọng điểm, ngành nghề chất lượng cao theo đúng quy định. Nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên các sơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực.

Chú trọng tuyển sinh trình độ Cao đẳng và Cao đẳng chương trình chất lượng cao; tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề mới nổi như: sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon… để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp nguồn nhân lực lao động phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Lưu Trường