Thực hiện Nghị quyết số 868/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2020 xã Phú Thịnh và xã Tân Cương của huyện Vĩnh Tường được sáp nhập thành xã Tân Phú. Sau sáp nhập, bộ máy hoạt động ổn định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tuy nhiên có một thực trạng chưa giải quyết được đó là lãng phí một số trụ sở tài sản công. Đây là vấn đề cần các cấp, ngành xem xét giải quyết.
Cỏ dại mọc um tùm, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, không ai nghĩ đây từng là trụ sở làm việc của UBND xã Tân Cương được xây dựng khang trang, sạch đẹp trước kia, chỉ sau 4 năm thực hiện sáp nhập 2 xã Tân Cương và Phú Thịnh thành xã Tân Phú, công trình này đến nay vẫn bị bỏ hoang. Toàn bộ cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã Tân Cương cũ mới được đầu tư cải tạo, nâng cấp cũng trong tình trạng bỏ không. Sau sáp nhập, hiện tại xã Tân Phú đang dôi dư 1 trụ sở làm việc, 1 Trạm y tế, 1 Trường học và 1 Trung tâm văn hóa bị bỏ hoang gây lãng phí.
Năm 2020, sau khi sáp nhập xã Tân Cương và Phú Thịnh thành xã mới Tân Phú, huyện Vĩnh Tường có diện tích 470 ha, trải dài khoảng gần 5km2, dân số gần 8.000 nhân khẩu. Là địa phương tiên phong trong thực hiện sáp nhập, đến nay bộ máy hành chính từ xã đến thôn đã hoạt động ổn định. Tuy nhiên, sau 4 năm trôi qua, việc xử lý, giải quyết tài sản công sau sáp nhập đang là trăn trở lớn nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trong giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 28 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sáp nhập. Như vậy sẽ có không ít trụ sở dôi dư. Việc sử dụng tài sản nhà đất công sau khi sáp nhập cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng luật để không xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước; nhưng cũng không thể để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đây là bài toán cần sớm có lời giải để các địa phương không loay hoay xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập.
Kim Liên