Cùng với quy trình sản xuất lúa hữu cơ được áp dụng trong nhiều năm nay đạt hiệu quả và tăng giá trị sản xuất cho sản phẩm lúa gạo; thời gian gần đây, các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc tiếp tục áp dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Đây là giải pháp hướng tới mục tiêu kép về kinh tế và môi trường.
Nếu như những năm trước đây để chuẩn bị cho vụ mùa, người nông dân phải làm đất, cài ải và bừa dập gốc rạ từ 15 đến 20 ngày, sau đó mới gieo cấy. Tuy nhiên năm nay, khi sử dụng chế phẩm sinh học, người dân chỉ mất 7 đến 10 ngày toàn bộ số gốc rạ đã mục nát, đất trở nên mềm hơn. Qua quá trình triển khai mô hình giúp bà con tiết kiệm nhân công và chi phí đầu tư.
Vụ mùa năm nay, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc triển khai hỗ trợ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học trên diện tích 5.000 ha. Việc sử dụng chế phẩm sinh học hạn chế tình trạng cây lúa trong vụ mùa bị nghẹt rễ, vàng lá làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đồng thời bổ sung phân hữu cơ, tăng độ phì của đất, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động.
Mặt khác, tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, góp phần giữ độ màu mỡ của đất, bảo vệ môi trường, tăng năng suất cây trồng đem lại hiệu quả thiết thực.
Đặng Thưởng