Đau bụng khi mang thai là hiện tượng hay gặp, nhất là giai đoạn đầu thai kỳ do thai làm tổ, tăng lưu lượng máu đến tử cung… Tuy nhiên, đôi khi có những cơn đau bụng bất thường có thể gây nguy hại cho cả mẹ lẫn con mẹ bầu cần biết để được chăm sóc y tế kịp thời.
Nguyên nhân đau bụng khi mang thai
Theo BSCKII Nguyễn Công Định - Giám đốc Trung tâm Khám, Điều trị sản phụ khoa và Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Cơ sở 2), Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, phụ nữ mang thai thường có cảm giác đau bụng là do các nguyên nhân sau:
Đau bụng không gây nguy hiểm cho mẹ bầu:
-
Thai làm tổ: Khi thai làm tổ, mẹ bầu có thể bị đau bụng giống như trong khoảng thời gian đến kỳ kinh nguyệt. Đau nhẹ và ra máu âm đạo ít, là kết quả của trứng được thụ tinh gắn vào thành tử cung, xảy ra khoảng 8 đến 10 ngày sau khi rụng trứng và diễn ra trong thời gian ngắn.
-
Thai nhi trong bụng đạp: Đây là một biểu hiện rất phổ biến ở tất cả mẹ bầu và là một dấu hiệu cho sự phát triển một cách bình thường và khỏe mạnh của bào thai.
-
Do căng cơ và dây chằng: Do bào thai đã phát triển được một thời gian khiến cho một số cơ và dây chằng quanh tử cung giãn ra rất nhiều gây đau bụng, nhất là khi mẹ bầu thay đổi tư thế hoặc khi bị ho.
-
Đau dạ dày: Quá trình tiêu hóa chậm lại dẫn tới đầy hơi, táo bón gây đau bụng.
-
-
Mẹ bầu bị đau bụng kèm theo sốt hoặc ớn lạnh thì cần đến viện khám để được chăm sóc y tế kịp thời. Ảnh minh họa
Đau bụng gây nguy hiểm cho mẹ bầu:
-
Thai ngoài tử cung: Thai ngoài tử cung thường gây chảy máu âm đạo, đau vai, đau bụng, chóng mặt…
-
Sẩy thai và dọa sẩy thai: Khi thai nhi dọa sẩy hoặc sẩy thai, mẹ bầu sẽ có cảm giác đau quặn bụng dưới, lưng hoặc vùng chậu và kèm theo chảy máu. Đau bụng trong sẩy thai thường đi kèm với chảy máu nhỏ trong vài ngày và thường nặng hơn theo thời gian.
-
Nhau bong non: Mẹ bầu sẽ có cảm giác đau bụng dữ dội và dai dẳng cũng như đau lưng và chảy máu âm đạo.
-
Tiền sản giật: Hay gặp ở nửa sau của thai kỳ với các triệu chứng đau bụng đi kèm với các triệu chứng khác như: đau đầu dữ dội, thay đổi thị lực, buồn nôn hoặc nôn, sưng ở mặt và tay và khó thở.
-
Đau bụng chuyển dạ: Các cơn co chuyển dạ gây đau bụng diễn ra đều đặn, kéo dài từ 30 đến 70 giây và mạnh hơn theo thời gian.
Dấu hiệu đau bụng cần đi khám bác sĩ ngay
BSCKII Nguyễn Công Định khuyến cáo bà bầu cần đi khám hay liên hệ với bác sĩ nếu bị đau bụng kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
-
Sốt hoặc ớn lạnh
-
Ra máu thấm băng vệ sinh hoặc chảy máu (có thể có hoặc không kèm theo đau quặn bụng)
-
Đau đầu dữ dội
-
Thay đổi thị lực (bao gồm mờ mắt, nhìn thấy đèn hoặc đốm sáng, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mù tạm thời)
-
Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó hoặc có máu trong nước tiểu
-
Chóng mặt hoặc cảm thấy ngất xỉu
-
Hơn bốn cơn co thắt trong một giờ, vì đây có thể là dấu hiệu chuyển dạ (và đặc biệt nếu xảy ra trước 37 tuần mang thai, vì đây có thể là dấu hiệu của sinh non).
-
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/7-dau-hieu-dau-bung-khi-mang-thai-can-di-kham-ngay-169240626114500336.htm