Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn là vị tướng thủy quân có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba - bản anh hùng ca trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Chính vì vậy, ngài được tôn vinh là vị thần vùng sông biển của Việt Nam, được thờ ở khắp các cửa biển từ miền bắc vào tận Nam Trung Bộ. Tại xứ Nghệ, ngài là một trong hai vị nhân thần nổi tiếng linh thiêng và được nhân dân lập đền thờ phụng ở nhiều nơi nhất...
Cổng tam quan đền Đệ Nhất thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Sát Hải Đại Vương là một nhân vật lịch sử được quốc sử ghi chép rõ ràng. Quê gốc của ông ở xã Vạn Phần, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu) có cửa Vạn là nơi sông Bùng đổ ra biển. Chung quanh thân thế và sự nghiệp của ông có rất nhiều huyền thoại.
Lúc Hoàng Tá Thốn vừa tròn 30 tuổi, cũng là lúc giặc Nguyên Mông đem quân xâm lược nước ta lần thứ hai. Lần này, quân Nguyên huy động lực lượng lớn hơn rất nhiều so với lần đầu, tới 30-50 vạn quân và dân binh.
Hưởng ứng lời kêu gọi đánh giặc giữ nước của triều đình nhà Trần, Hoàng Tá Thốn nhanh chóng rời quê hương lên đường gia nhập nghĩa quân. Sau một thời gian tập luyện tích cực, những vị tướng chỉ huy thấy ông là người am hiểu binh pháp, lại có biệt tài bơi lội cho nên đã sung vào đội thủy quân của triều đình. Khác với hai lần chiến tranh trước đó, triều đình nhà Trần không huy động lực lượng lớn chặn đánh quân Nguyên từ đầu, mà chỉ đánh những trận có tính chất kìm chân giặc. Bộ phận chỉ huy và phần lớn lực lượng quân Đại Việt rút về vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng, từ đó tổ chức các cuộc tấn công vào căn cứ Vạn Kiếp và đặc biệt phát huy thế mạnh về thủy quân đã liên tiếp đánh vào điểm yếu của thủy quân Nguyên Mông.
Trong trận đánh quyết định vào sáng 9/4 năm Mậu Tý (1288) khi quân ta dụ được đoàn thuyền của Ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng, nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến rồi giả thua chạy dẫn địch vào sâu sông Bạch Đằng… Cùng với các cánh quân khác, cánh thủy quân của Hoàng Tá Thốn chỉ huy đã mai phục từ trước đổ ra đánh phá kịch liệt làm cho giặc Nguyên chịu thiệt hại rất nặng. Đặc biệt là việc đánh đắm hàng chục thuyền giặc, trong đó có thuyền chủ tướng và góp công bắt sống Ô Mã Nhi. Trận Bạch Đằng lịch sử kết thúc, quân ta đại thắng.
Trong cuốn gia phả họ Hoàng ở Long Thành, Yên Thành, Nghệ An cho biết, sau khi chiến thắng trở về kinh, với công lao đặc biệt trong những trận thủy chiến tiêu diệt gần như toàn bộ đoàn thuyền hơn 600 chiếc của quân Nguyên Mông, cùng các tướng giặc Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ... bị quân ta bắt sống, Vua Trần Nhân Tông rất cảm kích và tặng Nội thư gia Hoàng Tá Thốn một bài thơ để úy lạo.
Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, Hoàng Tá Thốn lại được triều đình bổ làm tướng thống lĩnh các đạo thủy binh coi giữ 12 cửa biển. Ông đã tổ chức các đồn trại ven biển thường xuyên tuần tra canh phòng và kịp thời chỉ huy tiêu diệt nhiều đám giặc biển. Vì vậy, ông được triều đình cho hưởng lộc hai miền Thuận, Quảng. Một lần đi tuần thú đường biển từ bắc vào nam đến Cửa Trào huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, ông bị lâm bệnh và mất đột ngột vào ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Mão (1339), hưởng thọ 85 tuổi.
Tiếc thương vị danh tướng tận trung với nước, Vua Trần Hiến Tông đã ban thuyền rồng, cho đội quân danh dự chở linh cữu ông về an táng tại Vạn Phần và cho lập đền thờ. Là vị tướng có công trong việc giữ yên mặt biển trong một thời gian dài, ông cũng được nhân dân nhiều làng ven biển lập đền thờ như ở Cửa Trào, Cửa Trường, Cửa Vạn, Cửa Trấp, Cửa Thơi, Cửa Lò, Cửa Hội…
Tại đền thờ ông ở làng Vạn Tràng có nhiều câu đối, trong đó có câu: Triệu ứng hoàng ngưu thiên hữu mệnh/ Khấu trừ Ô Mã quốc dân lưu.
Nghĩa là: Điềm ứng trâu vàng trời có mệnh/ Diệt trừ Ô Mã nước ghi công.
Những công lao và sự tích về cuộc đời và sự nghiệp của ông đều được gia phả dòng họ Hoàng thuộc nhiều chi phái khác nhau ghi lại rất cụ thể: "Ngài vâng theo chiếu triều đình nhận ấn Tướng quân chỉ huy chư tỳ tướng, lập công lớn tiêu diệt quân Nguyên xâm lược. Vua Trần xét công Ngài đứng vào hàng nhất, ban cho họ Hoàng, tước Minh Tự, đời này qua đời khác là công thần, ban cho một khoảnh ruộng tại xứ Vạn Trường để làm hương hỏa. Ngài có ba người vợ, sinh hạ bảy người con, đều được phong Hoằng Tín đại phu…".
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/sat-hai-dai-vuong-hoang-ta-thon-danh-tuong-tan-tuy-voi-nuoc-post818673.html