Khoai tây là một trong những loại thực phẩm phổ biến và được mọi người yêu thích nhờ giá trị dinh dưỡng mà chúng mang lại. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu khoai tây mọc mầm có an toàn để ăn hay không. Dưới đây là tất cả những gì bạn cần biết về khoai tây mọc mầm.
Nguyên nhân khiến khoai tây mọc mầm?
Khoai tây nảy mầm khi chúng tiếp xúc với ánh sáng, hơi ấm và độ ẩm theo thời gian. Quá trình này là một phần tự nhiên trong chu kỳ tăng trưởng của chúng.
Khi được bảo quản trong những điều kiện thuận lợi cho sự nảy mầm, chẳng hạn như trong nhà bếp ấm áp hoặc dưới ánh sáng trực tiếp, các chồi ngủ trên khoai tây sẽ bắt đầu phát triển. Về cơ bản, mầm là những chồi mới mà khoai tây tạo ra để phát triển thành cây mới.
Khoai tây nảy mầm khi chúng tiếp xúc với ánh sáng, hơi ấm và độ ẩm theo thời gian.
Sự thay đổi dinh dưỡng trong khoai tây mọc mầm
Dù quá trình nảy mầm không có hại nhưng điều này sẽ gây ra một số thay đổi về dinh dưỡng trong củ khoai tây.
Khi khoai tây bắt đầu nảy mầm, nó sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng dự trữ để hỗ trợ sự phát triển của các chồi mới. Điều này dẫn đến giảm một số giá trị dinh dưỡng của khoai tây, chẳng hạn như giảm hàm lượng carbohydrate và vitamin C.
Sự nguy hiểm của Glycoalkaloid
Khi khoai tây mọc mầm, chúng tạo ra Glycoalkaloid, là chất độc tự nhiên được tìm thấy trong họ thực vật. Hai loại Glycoalkaloid chính được tìm thấy trong khoai tây là solanine và chaconine. Các hợp chất này có mặt ở tất cả các bộ phận của cây khoai tây, nhưng nồng độ của chúng có thể tăng đáng kể ở khoai tây đã mọc mầm hoặc còn xanh.
Glycoalkaloid đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ tự nhiên cho cây tránh khỏi sâu bệnh. Tuy nhiên, ở người, việc bổ sung lượng lớn chất độc này thông qua việc ăn khoai tây mọc mầm sẽ dẫn đến các triệu chứng ngộ độc glycoalkaloid, bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau bụng. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt và lú lẫn.
Khi khoai tây mọc mầm, chúng tạo ra Glycoalkaloid, là chất độc tự nhiên được tìm thấy trong họ thực vật
Ăn khoai tây mọc mầm có an toàn không?
Sự an toàn của việc ăn khoai tây đã nảy mầm phụ thuộc vào mức độ nảy mầm và sự hiện diện của bất kỳ sự đổi màu xanh nào trên củ khoai. Nếu mầm nhỏ và khoai tây cứng thì bạn có thể ăn sau khi loại bỏ mầm và phần còn xanh.
Cách ngăn ngừa khoai tây nảy mầm
Để ngăn khoai tây nảy mầm ngay từ đầu, hãy bảo quản chúng ở nơi mát, tối và khô ráo. Điều kiện bảo quản lý tưởng là từ 7-10 độ C. Tránh bảo quản khoai tây trong tủ lạnh, vì nhiệt độ lạnh có thể chuyển hóa một số tinh bột trong khoai tây thành đường, dẫn đến mùi vị khó chịu và tăng độ chín vàng khi nấu. Ngoài ra, hãy để khoai tây tránh xa hành tây, vì khí thoát ra từ hành tây có thể đẩy nhanh quá trình nảy mầm của khoai tây.
Khoai tây mọc mầm là hiện tượng phổ biến và có thể ăn được nếu được xử lý đúng cách, đó là loại bỏ mầm và những phần còn xanh hoặc đổi màu, gọt vỏ khoai tây và nấu chín kỹ.
Theo N.Hà/VOV.VN (Biên dịch)
https://vov.vn/suc-khoe/an-khoai-tay-moc-mam-nguy-hiem-nhu-the-nao-post1108510.vov