Cập nhật: 24/07/2024 16:26:00
Xem cỡ chữ

Điểm cốt lõi, đột phá trong tư duy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng “bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn bảo vệ hòa bình.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xem trưng bày, giới thiệu các khí tài quân sự của ngành Quốc phòng (Hà Nội, 10/1/2019). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xem trưng bày, giới thiệu các khí tài quân sự của ngành Quốc phòng (Hà Nội, 10/1/2019). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm gần gũi, ấm áp, sâu sắc cho cán bộ, chiến sỹ quân đội, lực lượng dân quân tự vệ cả nước và có những chỉ đạo chiến lược góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Xây dựng thế trận lòng dân

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh: "Với trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, sắc sảo, đồng chí đã đóng góp rất lớn vào việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và chủ trương, đường lối của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Ngay từ năm 2003, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có đóng góp quan trọng, giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành nghị quyết chuyên đề đầu tiên về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc."

Một yêu cầu xuyên suốt và cũng là bài học cốt lõi dẫn đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam là xây dựng thế trận lòng dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không nằm ngoài tư tưởng này, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh, phải phát huy “vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc; tăng cường được tiềm lực, sức mạnh quốc phòng của đất nước.”

Tổng Bí thư cũng yêu cầu “thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, nhất là trên các hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo. Làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của toàn dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.”

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, trên cơ sở nắm chắc, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, xu hướng thời đại và cách hóa giải những nguy cơ, thách thức, từ năm 2011 đến nay, Tổng Bí thư đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI, khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới bảo đảm khoa học, sát đúng, hiệu quả; đánh dấu bước phát triển tư duy, nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ cho trong ấm, ngoài êm”; “dân là gốc”, là trung tâm, là chủ thể, xây dựng “thế trận lòng dân,” yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định mục tiêu “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển nhưng phải gắn với bảo vệ hòa bình và hòa bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước”; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại với quốc phòng, an ninh để phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Trong các cuộc làm việc, các bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về quan điểm, mục tiêu chỉ đạo và phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư kế thừa truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự sâu sát, quyết liệt, toàn diện; góp phần làm sáng tỏ bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, đặc biệt là vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được kết hợp nhuần nhuyễn trong các chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời được cụ thể hóa bằng nhiều chiến lược chuyên ngành, như Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược an ninh quốc gia..., các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trên từng lĩnh vực và mặt công tác. Đây là những chủ trương lớn, kim chỉ nam để chúng ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên: Bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, trước tác động đa chiều của tình hình thế giới, khu vực với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường," Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định.

Hòa bình là mục tiêu xuyên suốt

Là một người tham gia xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam, cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có nhiều dịp được trực tiếp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời được tham dự nhiều cuộc họp do Tổng Bí thư chủ trì về những nội dung có liên quan.

TTXVN_2407TOngbithuQuocphong2.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên), sáng 16/7/2016. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng chia sẻ: “Điều khiến tôi ngạc nhiên và khâm phục là tầm tư duy, tầm nhìn, phương pháp luận khoa học vượt trội của Tổng Bí thư được thể hiện rất rõ trong suốt quá trình chỉ đạo xây dựng một văn kiện chuyên đề của Đảng ta về công tác quốc phòng, quân sự. Với Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đóng vai trò của người đứng đầu mà còn là một nhà chiến lược, kiến tạo nên những định hướng cơ bản và then chốt trong đường lối bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời đại mới.”

Quá trình xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam - chiến lược quốc gia trọng yếu nhằm thể chế hóa các quan điểm cơ bản của Đảng ta về quốc phòng, sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tường tận, cụ thể, cặn kẽ và sâu sát, cho thấy sự uyên bác, vốn hiểu biết sâu rộng, cũng như tư duy tầm chiến lược của người đứng đầu Đảng ta.

Điểm cốt lõi, đột phá trong tư duy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương trong xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng “bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình”, bởi hòa bình được coi là giá trị thiêng liêng, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển.

Vì thế, Tổng Bí thư luôn yêu cầu Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, nắm chắc tình hình, diễn biến, biến động trên các hướng, các khu vực, nhất là những khu vực trọng yếu; làm tốt công tác dự báo, tham mưu chiến lược, phát hiện sớm, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương chỉ đạo ngăn chặn kịp thời các tình huống xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; khẳng định “đây là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, có tính sống còn đối với quân đội.”

Chia sẻ về quan điểm lấy bảo vệ môi trường hòa bình là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng, quân sự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng, đây là quan điểm hoàn toàn khoa học, có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ với nhau và đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

“Vấn đề chúng ta thấy là bảo vệ hòa bình là một trong những nhiệm vụ cơ bản của quân đội ta, của nền quốc phòng toàn dân, là một giá trị thiêng liêng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Có bảo vệ môi trường hòa bình mới tạo cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh, vững chắc. Đồng thời, có xây dựng kinh tế phát triển, có mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, chúng ta mới có điều kiện để nâng cao hơn nữa sức mạnh tổng hợp về quốc phòng, quân sự, mới tăng cường và có điều kiện phát huy sức mạnh cứng cũng như sức mạnh mềm của đất nước chúng ta,” Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói.

Quân đội luôn giữ vững bản chất cách mạng

Nhằm tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn giữ vững bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, điều quan trọng là cần thống nhất nhận thức: bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để Đảng nắm chắc quân đội trong mọi tình huống.

TTXVN_2407TOngbithuQuocphong3.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Tàu ngầm Hải Phòng, Lữ đoàn Tàu ngầm 189 (Quân chủng Hải quân), ngày 5/5/2016. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đảng không những đề ra đường lối quân sự, xác định phương hướng phát triển tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước, xác định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và các chủ trương, giải pháp nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, mà Đảng còn lãnh đạo việc tổ chức hiện thực hóa quan điểm, đường lối xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại."

Để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, trước hết phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn quân, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Tổng Bí thư yêu cầu “nâng cao chất lượng công tác chính trị; có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng.”

Đối với cán bộ quân đội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cần coi trọng công tác huấn luyện, rèn luyện cả về bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý bộ đội. Tổng Bí thư nhắc nhở, giao nhiệm vụ cho lực lượng quân đội: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác; không để suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, quân đội với nhân dân, củng cố vững chắc thế trận lòng dân, tăng thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội.

Những quan điểm và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới; đồng thời thể hiện sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện đối với quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân./.

 Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tu-tuong-bao-ve-doc-lap-tu-chu-gan-voi-bao-ve-hoa-binh-cua-tong-bi-thu-post966530.vnp