Thực hiện Văn bản số 5378/BNN-ĐĐ ngày 26/7/2024 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc ứng phó với mưa lớn khu vực Bắc Bộ
UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Các cơ quan, ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Các Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi: Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên; Ban QLDA sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh không được chủ quan, lơ là; chủ động chỉ đạo triển khai nghiêm túc yêu cầu của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Văn bản số 5378/BNN-ĐĐ ngày 26/7/2024; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 05/3/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2024; thường xuyên, liên tục nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt trên địa bàn tỉnh, trong đó theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua (nếu có). Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời đến cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
2. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
3. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
4. Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các khu hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.
5. Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị.
6. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
7. Tổ chức trực ban nghiêm túc, tổng hợp, báo cáo kịp thời mọi diễn biến tình hình bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, ... về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực) theo số điện thoại: 3.862.518, Fax: 3.861.721, địa chỉ Email: pclbvp@gmail.com.
8. Ngoài các nội dung trên, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện các nội dung sau:
a) Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nắm chắc tình hình, diễn biến mưa lũ; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về PCTT&TKCN được giao theo thẩm quyền; chủ động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại các huyện, thành phố được giao phụ trách.
b) Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan có liên quan tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, kỹ năng ứng phó để chủ động sơ tán, di dời trước khi xảy ra sự cố, giảm thiệt hại.
c) Sở Nông nghiệp & PTNT:
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của Nhân dân.
- Thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp & PTNT (Qua Cục Quản lý đê điều & PCTT), UBND tỉnh theo quy định.
- Kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo đối với những nội dung vượt thẩm quyền, cần thiết để đảm bảo ứng phó hiệu quả với mưa lớn, sạt lở đất ..., hạn chế tối thiểu thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Giao thông vận tải: Chủ động sẵn sàng phương án chỉ đạo rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, nhất là ở khu vực miền núi, trung du kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án chủ động bảo đảm giao thông và an toàn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ và các trục giao thông chính của tỉnh. Chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các trục giao thông chính.
đ) Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh: Chủ động triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nội dung công điện này đối với các doanh nghiệp họat động trong các khu công nghiệp; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có phương án chủ động phòng, chống bảo đảm an toàn và sản xuất.
e) Sở Công thương: Chủ động triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nội dung công điện này đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có phương án chủ động phòng, chống bảo đảm an toàn và sản xuất.
f) Giao Sở Kế hoạch & Đầu tư: Thông tin đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chủ động phương án phòng, chống đảm bảo an toàn tài sản, con người của đơn vị.
g) Các sở, ban, ngành khác: Chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
h) Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho nhân dân trên địa bàn tỉnh để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
i) UBND các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của mưa lớn đến cấp xã, cấp thôn và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo “phương châm bốn tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân.
- Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.
i) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của mưa, lũ để các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.
k) Các Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi:
- Rà soát, đảm bảo toàn bộ các kênh tiêu, luồng tiêu thông thoáng; các trạm bơm tiêu, cống tiêu trong tình trạng sẵn sàng hoạt động tiêu úng khi có yêu cầu.
- Sẵn sàng phương án canh gác, cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện giao thông tại các điểm ngầm tràn khi thực hiện xả lũ các hồ chứa.
l) Ban QLDA sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh: Rà soát, đảm bảo điều kiện để vận hành các trạm bơm tiêu, luồng tiêu, công trình tiêu thuộc Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc để phục vụ tiêu thoát khi có yêu cầu.
NS