Cập nhật: 28/07/2024 09:08:00
Xem cỡ chữ

Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong nhiều năm qua, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động”

Những lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong nhiều năm qua, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong xây dựng xã hội mới rằng: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt.”

“Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động. Phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra” …

Những lời chỉ dạy ân cần của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong nhiều năm qua, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho tổ chức Công đoàn Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng về cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Người sớm nhận thức được vai trò của công đoàn - tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân.

Người đã tham gia Công đoàn hải ngoại Anh khi hoạt động tại London trong những năm 1914 -1917; gia nhập Công đoàn Kim khí quận 17 Paris vào năm 1919.

Từ năm 1921 trở đi, sự xuất hiện những tổ chức Công đoàn đầu tiên của người Việt Nam trên đất Pháp ngày càng nhiều và Người đã có mối quan hệ với lực lượng thợ thuyền.

Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp,” Người đã chỉ rõ: “Việc cần thiết hiện nay là phải phát động một cuộc tuyên truyền rộng lớn để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai.”

Vừa hoạt động, Người vừa nghiên cứu các hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản chủ nghĩa, ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó, Người rút ra những kinh nghiệm cho việc tổ chức Công đoàn cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh,” Người đã chỉ rõ: "Tổ chức công hội trước là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới."

Người đưa ra hai mẫu tổ chức công hội là các tổ chức công hội theo nghề nghiệp và theo sản nghiệp.

Như vậy, trên bước đường tiếp cận tới chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở về lý luận và thực tiễn để thành lập tổ chức Công đoàn cách mạng của giai cấp công nhân.

“Cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”

Trong những năm đầu mới thành lập nước, ở bài đăng trên báo Cứu Quốc (số 390, ngày 29/10/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “1) Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém. 2) Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng. 3) Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp Chính phủ trong việc xây dựng đất nước. 4) Chính phủ Việt Nam là một chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công...”

TTXVN_2807congdoan1.jpg

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh tặng quà Tết cho công nhân Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Có thể nói, Công đoàn Việt Nam là tổ chức có địa vị pháp lý sớm nhất khi nhà nước dân chủ được thành lập chưa đầy 2 năm. Ngày 2/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 29 về quyền của những người làm công tương tự như Luật lao động ngày nay và đã dành một chương với 22 điều quy định người lao động có quyền có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình, công đoàn có tư cách pháp nhân.

Sau đó, ngày 5/11/1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 ban hành Luật công đoàn do Quốc hội khóa I thông qua. Trong số đó, chỉ rõ mục đích của công đoàn là: phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung; đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lý điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động.

Đây là chỗ dựa pháp lý đầu tiên để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong chế độ mới, mà sau đó được văn kiện cơ bản của Đảng và Nhà nước (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn mới) kế tục và phát triển.

Ngày 27/2/1961, nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là một vấn đề quan trọng... Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy, thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng.”

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, ngày 13/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong xây dựng xã hội mới: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”… “Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động. Phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”. Người nhắc nhở: “Cán bộ phải cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghiệp vụ. Kinh tế của ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông. Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để không ngừng tiến bộ.”

Cảm động biết bao đối với các thế hệ cán bộ công đoàn là đúng 45 ngày trước lúc Người ra đi, ngày 18/7/1969, tuy sức khỏe rất yếu nhưng Bác kính yêu vẫn dành trọn buổi gặp và nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công Đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Với giọng nói trầm ấm, Người gần như di chúc riêng cho cán bộ công đoàn: “Bác đã nhiều lần gặp công đoàn, hôm nay lại gặp các chú. Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục quần chúng công nhân, viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng”“Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thật sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống.”

Muốn vậy, “Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu quản lí kinh tế, khoa học kỹ thuật.”

Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được?... Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn… Những phần tử nào biến chất, giáo dục không được, thì phải quyết đưa ra. Vì lợi ích của giai cấp, của cách mạng mà làm, không được vì tình cảm cá nhân mà do dự.” “Các chú nhớ là phải làm cho cán bộ thật đoàn kết nhất trí, không xa rời quần chúng. Phải thấy trách nhiệm vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích cách mạng mà làm, chứ không phải vì cá nhân. Phải làm đúng như lời dạy của Lênin vĩ đại: giữ gìn sự thống nhất của Đảng như con ngươi của mắt. Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ."

Tiếp thu, vận dụng những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Công đoàn Việt Nam, công đoàn các cấp đã không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, dấy lên nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao góp phần làm giàu cho đất nước. Các phong trào, như “Thi đua ái quốc”, “Tăng gia sản xuất”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua hai tốt”… của Công đoàn Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử khó quên.

Những huấn thị về công tác Công đoàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lý luận tài năng của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân, những người lao động niềm tin yêu và sự quan tâm đặc biệt.

TTXVN_2407Tongbithulaodong1.jpg

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết, tặng quà công nhân môi trường đang làm việc trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hơn 55 năm hòa mình vào phong trào công nhân, công đoàn bằng cả hoạt động nghiên cứu lý luận và lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một hệ thống những quan điểm, lời chỉ dạy sâu sắc có giá trị to lớn, góp phần đổi mới và thúc đẩy sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn.

Đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp to lớn của Công đoàn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc cũng như sứ mệnh đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, mọi hoạt động của Công đoàn phải thực sự hướng về cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn sản xuất và đời sống của người lao động.

Công đoàn chủ động đi sâu nghiên cứu, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng lao động và những đòi hỏi bức xúc của cơ sở, tập hợp trí tuệ của công nhân, viên chức, lao động tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; tổ chức kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật và các chế độ, chính sách đối với người lao động; chú trọng bảo vệ các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và môi trường lao động cho công nhân; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Chăm lo cho đoàn viên, người lao động, theo Tổng Bí thư, đó phải là tập trung xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, chăm lo, hỗ trợ toàn diện, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày.

Việc chăm lo của Công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ.

Để hoạt động công đoàn hấp dẫn, thấm sâu vào đời sống người lao động, Tổng Bí thư gợi ý: Phương thức hoạt động công đoàn cần linh hoạt, không ngừng sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công đoàn, cần có giải pháp cụ thể đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ chuyên trách và cán bộ công đoàn cơ sở. Coi trọng cải cách hành chính; kiên quyết chống quan liêu, bệnh hình thức và bệnh thành tích trong hoạt động công đoàn.

Đặc biệt, trong Bài phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII (ngày 2/12/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: “Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức Công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động.

Để đáp ứng công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn cần đủ về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng. Công tác cán bộ công đoàn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn cấp trên với cấp uỷ trong công tác cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn phải được lựa chọn kỹ càng, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng, bản lĩnh, có phẩm chất, năng lực, có tư duy, tầm nhìn, nhiệt huyết, trách nhiệm, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nắm chắc luật pháp, am hiểu về công tác công đoàn; có kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng tốt, có năng lực xử lý tình huống để dẫn dắt, truyền cảm hứng cho đoàn viên, người lao động.”

55 năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các đồng chí lãnh đạo công đoàn vào tháng 7/1969, những quan điểm và lời dạy của Người về công đoàn và cán bộ công đoàn vẫn còn nguyên giá trị.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay đang không ngừng phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho đông đảo công nhân, viên chức và người lao động trên cả nước, đúng như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII: “Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cong-doan-phai-lam-tot-cong-tac-bao-ho-lao-dong-post967244.vnp