Cập nhật: 31/07/2024 14:00:00
Xem cỡ chữ

Thời điểm này, các trường nghề đang bước vào tuyển sinh cho năm học mới. Mặc dù trong nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh theo học các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã tăng lên, tuy nhiên so với mục tiêu đề ra cùng với tình trạng thiếu nhân lực qua đào tạo của thị trường thì số lượng học sinh theo học tại các cơ sở đào tạo nghề vẫn chưa thể đáp ứng được. Khó khăn trong công tác tuyển sinh là điểm chung của nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh.

Đã từng đắn đo giữa học nghề và học đại học, cuối cùng nhiều học sinh quyết định chọn trường nghề. Đó là quyết định hướng tới mục tiêu có được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân hơn là chạy theo bằng cấp như xã hội vẫn coi trọng.

Là địa chỉ cung cấp phần lớn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp, nhưng khối cao đẳng của Trường Cao Đẳng Nghề Vĩnh Phúc vẫn khó tuyển sinh dù sinh viên ra trường đều có cơ hội việc làm ngay. Tích cực làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp ngay từ đầu năm học, đến nay, công tác tuyển sinh của nhà trường đã đạt khoảng 60-70%, tuy nhiên, chỉ tiêu khối cao đẳng mới đạt trên 50%. Tư tưởng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phải đi học đại học của nhiều gia đình vẫn chưa thay đổi được.

Những chế độ, chính sách của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ, khuyến khích học nghề được triển khai ngày càng nhiều, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề ngày càng cao, thu nhập của công nhân lành nghề cũng không hề thấp, thế nhưng, công tác tuyển sinh không chỉ riêng tại Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc mà tại đa số các trường nghề vẫn gặp khó.

Bên cạnh đó, sự ra đời ngày càng nhiều hơn của các trường đại học dân lập cũng là nguyên nhân khiến số lượng thí sinh tuyển được ngày càng ít đi. Đây cũng là thực trạng đòi hỏi những giải pháp lâu dài, nhưng trước mắt cần bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức về học nghề, làm nghề của phụ huynh và học sinh, tránh dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Phương Anh