Cuộc thử nghiệm của NASA được thiết kế nhằm hiểu rõ hơn tác động của sự cô lập đối với hiệu suất và sức khỏe của phi hành đoàn với mục tiêu là chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai trên Sao Hỏa.
Liệu con người có thể sống sót một mình trên một hành tinh khác trong nhiều tháng?
Thử nghiệm mới nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa chúng ta đến gần hơn với câu trả lời.
Cuộc thử nghiệm của NASA có tên gọi CHAPEA được thiết kế nhằm hiểu rõ hơn tác động của sự cô lập đối với hiệu suất và sức khỏe của phi hành đoàn với mục tiêu lâu dài là chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai trên Sao Hỏa. Dự án kéo dài 378 ngày và mới kết thúc vào đầu tháng Bảy.
Nhà sinh vật học Kelly Haston, 53 tuổi đã tham gia cuộc thử nghiệm này.
Kelly Haston đã sống hoàn toàn cô lập trong thời gian tham gia dự án, tiến hành các hoạt động mô phỏng như đang ở ngoài không gian, từ "các bước đi bộ trên Sao Hỏa” đến chăm sóc một khu vườn thẳng đứng, và đôi khi phải đấu tranh, vật lộn với sự nhàm chán. Với cô, điều khó khăn nhất đó là phải xa người thân trong hành trình dài ngày này.
Cô thừa nhận việc đi vào không gian là một cơ hội tuyệt vời và cô tự hào khi tham gia dự án thúc đẩy công cuộc khám giá không gian.
Cô chia sẻ cô có thể ở trong môi trường sống đó thêm một năm nữa và sống sót với tất cả những hạn chế khác, nhưng nỗi nhớ gia đình luôn là điều khó khăn và những trải nghiệm trong thời gian tham gia cuộc thử nghiện này khiến cô phải suy nghĩ lại về thực tế cuộc sống trên hành tinh Đỏ.
Ngoài ra, việc liên lạc với thế giới bên ngoài bị chậm lại 20 phút mỗi chiều do mô phỏng thời gian tín hiệu vô tuyến truyền giữa Trái Đất và Sao Hỏa.
Những người duy nhất mà cô tiếp xúc trực tiếp là ba đồng đội và những người cùng định cư trên Sao Hỏa.
Cô cùng các đồng đội sinh sống trong ngôi nhà rộng 160m2 gồm khu nhà ở của phi hành đoàn, khu vực chung và một khu vực trồng trọt.
Môi trường sống in 3D này được lắp đặt bên trong một nhà chứa máy bay tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston.
Các thành viên phi hành đoàn mặc bộ đồ phi hành gia và đi qua một khoang khí để đến khu vực làm các nhiệm vụ được điều phối.
Ngoài yếu tố tâm lý, CHAPEA còn chú trọng ghi chép lượng thức ăn tiêu thụ của mỗi thành viên phi hành đoàn, phân tích mẫu máu, nước bọt, nước tiểu, thói quen ngủ, thể chất và nhận thức của phi hành đoàn trong thời gian tham gia nghiên cứu.
Điều này hỗ trợ các nhà khoa học xác định được các điều kiện tối thiểu cần thiết để duy trì sức khỏe của các phi hành gia và đảm bảo thành công của nhiệm vụ.
Hiện tại, NASA đang giữ kín thông tin chi tiết về các nhiệm vụ của phi hành đoàn để giữ yếu tố bất ngờ cho cuộc thử nghiệm CHAPEA 2 dự kiến được tiến hành vào năm 2025./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/thu-thach-song-trong-moi-truong-tren-sao-hoa-1-nam-post967933.vnp