Để phòng ngừa cháy nổ và tận dụng tối đa “thời điểm vàng” chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, triển khai xây dựng và nhân rộng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình đã trang bị bình chữa cháy tại nhiều địa phương tăng cao.
Mặc dù không trong khu vực làng nghề truyền thống có nguy cơ cháy nổ cao, nhưng qua công tác tuyên truyền của lực lượng công an và chính quyền địa phương, gia đình ông Lê Văn Hiển ở thôn Cam Giá, xã An Tường đã nhận thức rõ được mức độ nguy hiểm của cháy nổ và tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy nổ. Do vậy gia đình ông đã tự trang bị 2 bình chữa cháy xách tay đặt tại các khu vực có thể phát sinh nguồn nhiệt.
Xã An Tường có 2 làng nghề mộc truyền thống là Thủ Độ và Bích Chu với rất nhiều nguyên vật liệu dễ cháy như: tre, gỗ, sơn, hóa chất. Trong khi phần lớn các hộ gia đình đều kết hợp nhà ở với xưởng sản xuất, kinh doanh, diện tích chật hẹp, sắp xếp hàng hóa tràn lan khiến nguy cơ cháy nổ rất cao nếu người dân bất cẩn, chủ quan.
Để hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ xảy ra, bên cạnh việc tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, địa phương đã thành lập 6 tổ liên gia an toàn PCCC và vận động được gần 1.600 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, đạt tỷ lệ 58%. Toàn huyện Vĩnh Tường hiện có trên 70 điểm chữa cháy công cộng, hơn 50 tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và đạt trên 86% hộ gia đình đã trang bị bình chữa cháy.
Nước xa không cứu được lửa gần, do vậy việc trang bị bình chữa cháy tại chỗ là yếu tố quan trọng để người dân có thể xử lý đám cháy ngay từ ban đầu, từ đó giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Kim Liên