Tình trạng sa sút trí tuệ, diễn biến âm thầm và dần khiến người bệnh bị mất trí nhớ cũng như khả năng nhận thức, ngôn ngữ và sự độc lập, hiện đang ảnh hưởng đến hơn 55 triệu người trên toàn thế giới.
Những thói quen hằng ngày như hút thuốc, ít vận động hay đơn giản là cảm thấy cô đơn có thể là những yếu tố tiềm ẩn góp phần dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ.
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng hàng triệu trường hợp mắc bệnh Alzheimer và các sa sút trí tuệ khác có thể được ngăn ngừa hoặc trì hoãn phần nào nếu chúng ta thay đổi lối sống.
Tình trạng sa sút trí tuệ, diễn biến âm thầm và dần khiến người bệnh bị mất trí nhớ cũng như khả năng nhận thức, ngôn ngữ và sự độc lập, hiện đang ảnh hưởng đến hơn 55 triệu người trên toàn thế giới. Chứng sa sút trí tuệ là do nhiều loại bệnh gây ra, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu mới được công bố ngày 31/7 trên tạp chí The Lancet cho thấy "tiềm năng lớn" trong việc phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ. Nghiên cứu này tiếp nối báo cáo trước đó vào năm 2020, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa bệnh sa sút trí tuệ.
Vào thời điểm đó, nhóm nhà nghiên cứu ước tính rằng 40% các trường hợp mất trí nhớ có liên quan đến 12 yếu tố rủi ro, bao gồm những người có trình độ học vấn thấp, có vấn đề về thính giác, huyết áp cao, hút thuốc, béo phì, trầm cảm, ít vận động, tiểu đường, nghiện rượu, chấn thương sọ não, tiếp xúc với ô nhiễm không khí và tách biệt với xã hội. Nghiên cứu mới nhất đã bổ sung hai yếu tố nguy cơ mới, đó là việc mất thị lực và hàm lượng cholesterol cao.
Theo nghiên cứu, nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm thiểu các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ có vai trò vô cùng quan trọng. Các nhà khoa học nhấn mạnh về mặt lý thuyết, gần một nửa số ca mắc sa sút trí tuệ có thể được ngăn ngừa bằng cách loại bỏ 14 yếu tố nguy cơ nêu trên.
Nghiên cứu trên được các chuyên gia trong lĩnh vực này hoan nghênh, trong đó việc nêu bật tầm quan trọng của việc phòng ngừa gần như là điều không cần bàn cãi.
Tuy nhiên, một số người cho rằng ý tưởng rằng gần một nửa số trường hợp bị sa sút trí tuệ có thể được ngăn ngừa nên được làm rõ để hiểu cho chính xác.
Giới khoa học vẫn chưa chứng minh được rằng các yếu tố nguy cơ trên trực tiếp gây ra chứng sa sút trí tuệ, như các tác giả của nghiên cứu khẳng định. Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng nhưng cũng rất khó để tách biệt các yếu tố rủi ro với nhau.
Một số yếu tố có thể có mối liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời, chẳng hạn như trầm cảm và cô lập khỏi xã hội, hoặc hút thuốc và huyết áp cao. Trên hết, nhiều yếu tố nguy cơ là những vấn nạn xã hội đã được chứng minh là gần như không thể giải quyết hoàn toàn.
Trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu với khoản đầu tư khổng lồ, song các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được phương pháp chữa trị hiệu quả nào cho bệnh sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, từ đầu năm ngoái, Mỹ đã phê duyệt hai loại thuốc mới điều trị bệnh Alzheimer: lecanemab của Biogen và donanemab của Eli Lilly.
Hai loại thuốc này nhắm vào sự tích tụ của hai loại protein (tau và beta amyloid), vốn liên quan đến sự tiến triển của bệnh.
Một số nhà nghiên cứu hy vọng rằng các loại thuốc mới điều trị bệnh Alzheimer có thể dẫn đến các phương pháp điều trị hiệu quả hơn trong tương lai.
Mặc dù vậy, lợi ích của hai loại thuốc này vẫn còn hạn chế, thậm chí có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng và thường có giá thành cao.
Tuần trước, thuốc lecanemab đã bị cơ quan giám sát dược phẩm của Liên minh châu Âu đã từ chối phê duyệt lecanemab, trong khi vẫn đang xem xét donanemab./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/cam-thay-co-don-co-the-la-yeu-to-tiem-an-dan-den-benh-sa-sut-tri-tue-post968176.vnp