Chỉ hai tuần trước, thị trường chứng khoán đã có đợt tăng giá dường như không gì có thể ngăn nổi, tuy nhiên trong những phiên gần đây chứng khoán đã lao dốc không phanh.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo tạp chí The Economist, chỉ số công nghệ Nasdaq của Mỹ đã giảm hơn 10% kể từ mức đỉnh vào giữa tháng Bảy.
Chỉ số Topix chuẩn của Nhật Bản đã ghi nhận mức lỗ lên đến hai chữ số khi giảm 6% chỉ riêng trong ngày 2/8.
Đây là ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2016 và cùng với mức giảm 3% vào ngày 1/8 là chuỗi hai ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ năm 2011.
Giá cổ phiếu ở những nơi khác không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng sự hoảng loạn đang lan rộng khắp các thị trường.
“Thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, chỉ số VIX, thước đo mức độ biến động dự kiến thông qua mức giá mà các nhà giao dịch phải trả để bảo vệ mình khỏi biến động này, đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực của Mỹ vào năm ngoái.
Đối với từng lĩnh vực và công ty, tâm trạng thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỉ số bán dẫn Philadelphia của các công ty trong chuỗi cung ứng sản xuất chip trên toàn cầu đã giảm hơn 1/5 chỉ trong vài tuần. Cổ phiếu của Arm đã mất 40% giá trị thị trường. Giá cổ phiếu của Nvidia đã lao dốc.
Trong ba ngày kể từ ngày 30/7, giá cổ phiếu giảm 7%, tăng vọt 13%, rồi lại giảm 7%. Ngày 2/8, giá cổ phiếu của gã khổng lồ Intel đã giảm hơn 1/4. Và không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn. Chỉ số KBW của cổ phiếu ngân hàng Mỹ đã giảm 8% chỉ trong vài ngày. Giá cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản cũng giảm mạnh.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là ngay cả giá vàng cũng lao dốc vào ngày 2/8, với mức giảm từ đỉnh xuống đáy hơn 2%. Vàng thường là một biện pháp phòng ngừa chính xác loại hỗn loạn đang diễn ra ngay lúc này.
Việc giá vàng giảm cho thấy các nhà đầu tư có thể đã bán không phải vì họ muốn mà vì họ phải nhanh chóng huy động tiền mặt để chuyển sang ký quỹ ở nơi khác an toàn hơn.
Nếu vậy, sẽ có nguy cơ xảy ra các đợt bán tháo khác và một vòng luẩn quẩn tự củng cố có thể xảy ra sau đó.Ba diễn biến kết hợp đã đẩy các nhà đầu tư đến bờ vực.
Đầu tiên là trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ngành sản xuất chip cung cấp năng lượng cho AI, đã có những kỳ vọng cao không thực tế.
Biến động lớn nhất về giá cổ phiếu của Mỹ diễn ra trong khoảng 10 ngày mà 5 gã khổng lồ công nghệ gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft công bố kết quả kinh doanh khiến các cổ đông thất vọng.
Ngay cả cổ phiếu của Alphabet và Microsoft, những công ty có doanh thu vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, cũng giảm vào ngày sau khi các công ty này công bố báo cáo.
Sự mất mát trên diện rộng cho thấy sự phấn khích trước đây của các nhà đầu tư đối với mọi thứ liên quan đến AI đang bốc hơi.
Khi các công ty công nghệ "vấp ngã," nền kinh tế Mỹ cũng vậy. Diễn biến thứ hai này khiến các nhà đầu tư phải chịu một đợt tấn công dữ dội.
Cho đến gần đây, “tin xấu là tin tốt” vẫn là câu thần chú của thị trường. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tăng trưởng chậm lại hoặc thị trường lao động yếu hơn đều tốt cho giá tài sản, vì điều đó có nghĩa là lạm phát có khả năng sẽ ở mức thấp và cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất.
Nhưng vào thời điểm báo cáo việc làm của Mỹ được công bố, ngày 2/8, tâm trạng đã thay đổi: tin xấu giờ là tin xấu.
Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong ba năm là 4,3% vào tháng Bảy, trong khi nền kinh tế chỉ tăng thêm 114.000 việc làm, trái ngược với dự báo đồng thuận trước đó là 175.000.
Nói cách khác, nguy cơ suy thoái mà nhiều người nghĩ rằng đã tránh được vừa tăng lên. Các nhà giao dịch bắt đầu đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm nửa điểm phần trăm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín tới, để ngăn chặn nguy cơ suy thoái.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. (Ảnh: THX/TTXVN)
Điều đó xảy ra mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bác bỏ thông tin cho rằng Fed đang cân nhắc một động thái như vậy tại cuộc họp vừa diễn ra vài ngày trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh, lãi suất 2 năm giảm xuống còn 3,9%, thấp hơn hơn một điểm phần trăm so với mức vào cuối tháng Tư. Vài tuần trước, việc cắt giảm chi phí đi vay như vậy có thể đã thúc đẩy cổ phiếu.
Giờ đây, nhà đầu tư dường như lo sợ về mặt trái của việc tăng trưởng chậm lại và những tác động của nó đối với thu nhập của công ty, hơn là việc họ mong muốn tiền rẻ hơn.
Động lực thứ ba làm thị trường chao đảo là sức mạnh của đồng yen Nhật. Trong những tuần gần đây, đồng tiền này đã mạnh lên so với rổ tiền tệ được tính theo tỷ giá thương mại với tốc độ gần như nhanh nhất trong hai thập kỷ.
Một phần là do Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào ngày 31/7 đã bất ngờ tăng một phần mười điểm phần trăm lãi suất.
Đồng yen tăng giá tự động làm giảm giá cổ phiếu Nhật Bản, vì nhiều công ty toàn cầu lớn nhất của nước này, như Hitachi, Sony và Toyota, kiếm được thu nhập ở nước ngoài bằng ngoại tệ.
Một số sự sụt giảm của cổ phiếu Nhật Bản có thể được giải thích bằng hiệu ứng này. Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn là việc tháo gỡ các giao dịch phổ biến liên quan đến đồng yen yếu và chính sách tiền tệ cực kỳ ôn hòa.
Sự kết hợp của cả hai đã giúp có thể vay tiền giá rẻ bằng đồng yen, chuyển đổi số tiền thu được sang USD và đầu tư vào Kho bạc, mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với chi phí để trả nợ - một “giao dịch chênh lệch lãi suất.”
Nhưng với việc lãi suất của Nhật Bản tăng và lãi suất của Mỹ giảm, giao dịch này không còn hấp dẫn.
Cùng với đó, việc đồng yen tăng giá nhanh chóng làm tăng chi phí trả nợ bằng USD, đẩy giao dịch này vào vùng đỏ. Những động thái dữ dội trong vài tuần qua sẽ buộc nhiều nhà đầu tư phải đóng vị thế của mình và có thể là bán tháo các tài sản khác, làm tăng thêm sự bất ổn cho cả cổ phiếu trong nước và toàn cầu./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/giai-ma-tinh-trang-hoang-loan-tren-cac-thi-truong-chung-khoan-toan-cau-post968685.vnp