Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, quá trình thẩm tra dự án luật phải đảm bảo được thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Sáng nay (16/8), tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (gọi tắt là Luật 69). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội thảo.
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (gọi tắt là Luật 69) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đầu tư vốn của nhà nước vào sản xuất kinh doanh cũng như quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình đổi mới hội nhập cũng như quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Quang cảnh hội thảo.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa tách bạch, phân định rõ được chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp, chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Phạm vi điều chỉnh của Luật 69 cũng chưa quy định một cách đầy đủ các nội dung về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gây lúng túng trong việc vận hành mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu. Với những cái hạn chế về khung pháp lý đã cản trở vai trò của doanh nghiệp nhà nước như là một lực lượng nòng cốt của nền kinh tế nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng luật mới để thay thế Luật 69 là hết sức quan trọng, rất ý nghĩa và cấp thiết.
Dự án luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sửa đổi Luật 69 được Bộ Tài chính xây dựng thiết kế theo 6 nhóm chính sách, gồm 09 Chương và 92 Điều. Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đại biểu góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ theo hướng xác định đối tượng điều chỉnh tại dự thảo Luật là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp” thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ” là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, đảm bảo việc phân công rõ, phân cấp mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không mở rộng thêm đối tượng quản lý trực tiếp của các cơ quan quản lý so với quy định hiện nay.
Ông Lê Tấn Cận, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo
Ông Lê Tấn Cận, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự kiến dự thảo luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 năm 2025, dự kiến luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026: “Một số vấn đề về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, về đầu tư, vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đặc biệt là phạm vi đầu tư, vốn nhà nước, thẩm quyền đầu tư, vốn và các cái quyết định dự án đầu tư của doanh nghiệp liên quan đến việc sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Liên quan đến là cơ quan, người đại diện sở hữu vốn và công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình quản lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần cho ý kiến sát thực tế hơn để hoàn thiện, tiếp thu một cách tối đa, để khi ban hành luật không bị vướng”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) hiện hành, mặc dù được đánh giá là có tiến bộ lớn trong việc gỡ bỏ xung đột lợi ích nhưng cũng đã phát sinh nhiều bất cập. Có lúc, có trường hợp các cơ quan chức năng coi toàn bộ vốn, tài sản nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, tài sản nhà nước để quản lý nên hoạt động quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chịu sự chỉ đạo, can thiệp chặt chẽ của nhiều cơ quan nhà nước, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo. Thực tế đã xảy ra nguy cơ thất thoát vốn và nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa liên quan đến đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp chuyển từ lãi giả, lỗ thật sang lỗ giả, lãi thật. Đây là bài học trong quá trình cổ phần hóa từ cấp địa phương, cấp trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, quá trình thẩm tra dự án luật phải đảm bảo được thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên: “Để đảm bảo chất lượng dự thảo luật có tính khả thi, các quy định phải đảm bảo các quy luật giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư vốn nhà nước và doanh nghiệp. Để sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề phát sinh, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo chất lượng, hiệu quả quá trình thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội ban hành được một đạo luật tốt, khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”.
Theo Đình Thiệu/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/kinh-te/gop-y-du-thao-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-post1114752.vov