Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đòi hỏi cần phải có thêm những giải pháp quyết liệt hơn nữa, trong đó, ngoài thúc đẩy giải ngân tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng đang tìm cách đa dạng hoá nguồn thu, tiết giảm chi phí.
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc và đạt mức 6% vào cuối tháng 6 trước khi giảm còn 5,3% vào ngày 17/7. Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, điểm tích cực là con số tăng trưởng đang cải thiện dần qua các tháng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là dòng chảy tín dụng diễn ra không đồng đều, có địa phương tăng thấp, có tổ chức tín dụng tăng trưởng âm trong khi có đơn vị tăng trưởng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng chậm là do tổng thể sức cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ; nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đánh giá lý do lớn nhất khiến tín dụng tăng chậm là vì nhu cầu trong nền kinh tế suy yếu, bao gồm cả nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và cả nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chẳng hạn, ở mảng tín dụng bán lẻ của các ngân hàng, lĩnh vực được các ngân hàng cổ phần xác định là trọng tâm cho vay chính, đều bị ảnh hưởng vì nhu cầu vay mua bất động sản để ở giảm, do kinh tế khó khăn và thu nhập người dân giảm.
"Với những biện pháp chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện trong những tháng cuối năm là tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng hạ lãi suất, tiết giảm chi phí, trên cơ sở điều hành mặt bằng lãi suất của ngân hàng Nhà nước, duy trì ổn định lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.- "Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.
Có thể thấy, sau những tín hiệu tích cực từ điều chỉnh chính sách của NHNN, các ngân hàng cũng nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm "đo ni đóng giày" theo từng phân khúc trọng tâm. Tùy thuộc khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu hay hộ kinh doanh cá nhân, ngân hàng đều có những chính sách hỗ trợ khác nhau.
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank cho biết: "Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, cầu tín dụng thấp. Việc giao hạn mức tín dụng cả năm ngay từ đầu năm đi kèm với thông điệp nếu NHTM sử dụng sớm và hết tín dụng này thì NHNN sẽ cân nhắc để bổ sung hạn mức tín dụng, thuận lợi cho các NHTM sử dụng, phân bổ tín dụng cho cả năm, là một tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp trong việc chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh."
Ngân hàng tìm cách đa dạng hoá nguồn thu, tiết giảm chi phí trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chậm
Song song với việc đẩy mạnh tín dụng, một số ngân hàng thương mại đã kết hợp cung cấp các sản phẩm dịch vụ ưu đãi riêng cho từng nhóm khách hàng vay.
Bà Hoàng Thị Mai Thảo - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội SHB cho biết, nguồn thu từ dịch vụ tăng hơn 73% so với cùng kỳ, góp phần giúp ngân hàng đạt hơn 6.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm.
"Chúng tôi luôn lấy khách hàng là trọng tâm, xây dựng các gói giải pháp tài chính, để khách hàng có thể tăng cường khả năng tiếp cận vốn với ngân hàng một cách dễ dàng nhất và đa dạng nhất. Vì ngoài nhu cầu mua nhà, họ còn có các nhu cầu tiêu dùng khác thông qua sản phẩm cho vay thấu chi và thẻ tín dụng để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng."- bà Thảo nói.
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MSB cho biết, ngân hàng cũng đang đẩy mạnh đa dạng nguồn thu, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tổng doanh thu thuần hợp nhất cũng tăng hơn 10%. Đáng nói, ngân hàng tiết kiệm được khá nhiều chi phí nhờ quá trình số hóa, giúp lượng người dùng thường xuyên tăng cao. Qua đó, giúp tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn:
"Hiện tại tỷ lệ CASA của chúng tôi khoảng 27 %, đóng góp rất lớn trong việc ngân hàng giảm chi phí huy động vốn nói chung. Từ đó, ngân hàng có thể đưa ra các gói cho vay hoặc mức lãi suất cạnh tranh hơn cho khách hàng trong giai đoạn hiện nay."- ông Hùng cho biết thêm,
Với mặt bằng lãi vay duy trì mức thấp, nền kinh tế trên đà hồi phục. Thị trường bất động sản được dự báo “ấm” dần sau khi áp dụng sớm 3 luật mới, dòng chảy vốn tính dụng đi vào nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng về lượng và chất các quý tới. Từ phía nhà quản lý, việc điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát còn phải tính toán nhằm hỗ trợ tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục các giải pháp như yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm chi phí; công khai các chương trình liên quan đến lãi suất, đồng thời giám sát những ngân hàng đang cho vay cao và cả các đơn vị có dư nợ thấp.
Theo Bảo Ngọc/VOV1
https://vov.vn/kinh-te/ngan-hang-tim-cach-da-dang-hoa-nguon-thu-tiet-giam-chi-phi-post1115049.vov