Thời gian qua, tình hình cháy nổ diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều vụ cháy lớn ở nhiều loại hình khác nhau, gây thiệt hại về người và tài sản.
Các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp giúp Nhân dân chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý tình huống nhanh chóng, hiệu quả. Qua đó, nâng cao nhận thức và ý thức của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy.
Kinh doanh cửa hàng tạp hóa đã nhiều năm nay, hộ gia đình ông Tạ Văn Tiến, thôn Giã Bàng 3, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc luôn xác định công tác phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, cùng với nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa trong cửa hàng, mỗi thành viên trong gia đình đều tham gia đầy đủ các lớp tập huấn phòng cháy chữa cháy do địa phương tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời, chủ động mua sắm các trang thiết bị cần thiết nhằm đảm bảo phương châm 4 tại chỗ trong phòng cháy, chữa cháy.
Trước tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, nguy cơ cháy nổ tại khu vực nông thôn luôn tiềm ẩn phức tạp, nhất là tại các làng nghề truyền thống, do vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy đến mọi tầng lớp Nhân dân; các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, chú trọng xây dựng và thành lập mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và “điểm chữa cháy công cộng” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy.
Trước nguy cơ cháy nổ cao từ các cơ sở ngành nghề cũng như khu vực nông thôn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định, phòng ngừa cháy nổ vì lợi ích của gia đình và cộng đồng.
Tạ Hương