Cập nhật: 25/08/2024 07:55:00
Xem cỡ chữ

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa 7 tháng qua tiếp tục đạt được những kết quả khá tích cực, tạo động lực cho những tháng cuối năm nhưng về lâu dài cần hướng đến tính chuyên nghiệp tạo nên sự bền vững.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng qua tiếp tục là điểm sáng tích cực, cho thấy kinh tế toàn cầu đang có sự phục hồi mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 7 tháng ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng, đồng nghĩa với DN trong nước đang có nhiều thêm các đơn hàng xuất khẩu.

Xuất khẩu phục hồi vẫn thấp hơn trước dịch Covid-19

Đánh giá về kết quả xuất khẩu tích cực trong 7 tháng qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề cập tới kết quả của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, khi Việt Nam nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, đã và đang mang đến sự phát triển bền vững cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Cùng với đó, vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục.

xuat khau hang hoa dan hoi phuc nhung can tang tinh ben vung hinh anh 1

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng qua tiếp tục là điểm sáng

Từ thực tế tại thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, sau nhiều tháng suy giảm hoặc chỉ tăng trưởng ở mức thấp, tình hình thương mại của Singapore với thế giới trong tháng 7/2024 đã tăng trưởng mạnh với tất cả các chỉ tiêu kim ngạch đều tăng trưởng trên 10%.

“Góp phần vào kết quả đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 7/2024 cũng  tiếp tục duy trì mạch tăng trưởng rất tốt, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang Singapore tăng tới 36,25%. Lũy kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Singapore tăng 27,03% so với cùng kỳ năm 2023”, ông Thắng cho biết.

Kết quả xuất khẩu hàng hóa mặc dù đạt kết quả tăng trưởng cao trong 7 tháng năm 2024, tuy nhiên theo nhìn nhận từ Bộ Công Thương, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung, khi tính chuyên nghiệp của DN, nhà cung cấp chưa cao.

Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… luôn phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Linh hoạt xúc tiến thương mại và vận chuyển hàng hóa

Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm. Hiện nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn những rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic cũng như các yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững...

Để duy trì đà xuất khẩu của ngành dệt may trong những tháng cuối năm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu. “Ngành dệt may đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại... nhằm định hướng cho DN sản xuất trong nước”, ông Cẩm nói.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam đề xuất, các cơ quan thương vụ cung cấp, cập nhật thông tin cảnh báo các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng da giày, túi xách tại thị trường sở tại. Thông tin cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng vừa mới ban hành của EU, giúp DN có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng.

xuat khau hang hoa dan hoi phuc nhung can tang tinh ben vung hinh anh 2

Xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn tập trung vào củng cố các thị trường lớn truyền thống

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào củng cố các thị trường lớn truyền thống; mở rộng các thị trường mới. Hỗ trợ DN chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, quảng bá, xúc tiến thương mại để tiếp cận thị trường tiềm năng.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương rà soát các mặt hàng, thị trường trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên để thực hiện xúc tiến thương mại trong ngắn, trung và dài hạn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ để cùng triển khai được chuỗi các hoạt động mang tính chuyên môn của nhiều đơn vị, trong khuôn khổ của một chương trình xúc tiến thương mại, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực.

“Bộ Công Thương cũng đề nghị các DN xuất, nhập khẩu và DN dịch vụ logistics tăng cường phối hợp, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vận chuyển, kế hoạch xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đây sẽ là cơ sở để DN ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, phụ phí trong giai đoạn thị trường quốc tế nhiều diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-hang-hoa-dan-hoi-phuc-nhung-can-tang-tinh-ben-vung-post1116108.vov