Cập nhật: 31/08/2024 13:36:00
Xem cỡ chữ

Các bác sĩ tại thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), đã phải làm việc hết công suất để có thể điều trị kịp thời cho những bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh các ca nhiễm tại quốc gia này đang ngày càng gia tăng, tạo áp lực lên hầu hết các bệnh viện.

Toàn bộ đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế tại Congo đã được đặt trong tình trạng báo động cao kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vào đầu tháng này. Tiến sĩ Jose Pululu - Giám đốc Trung tâm Đậu mùa khỉ tại Vijana, Congo cho biết các bệnh viện đang thống nhất về chi tiết cách tiếp cận để xử lý các trường hợp nhiễm bệnh nghiêm trọng và nguy kịch.

Ông nhấn mạnh rằng căn bệnh đậu mùa khỉ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị, bao gồm cả tổn thương ở bộ phận sinh dục: “Những bệnh nhân ở đây là những người mắc bệnh nặng hoặc nguy kịch. Như tôi đã đề cập trước đó, đậu mùa khỉ có thể gây ra một số biến chứng nhất định. Ví dụ như lây nhiễm thông qua đường tình dục, virus có thể ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục. Là bác sĩ, chúng tôi sẽ cung cấp phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, nhiệm vụ ở đây không chỉ điều trị virus đậu mùa khỉ mà còn giải quyết các biến chứng phát sinh".

congo chien dau voi dot bung phat dau mua khi, vaccine bi nghi ngo kem hieu qua hinh anh 1

Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

230.000 liều dự kiến ​​sẽ đến Congo trong những ngày tới để hỗ trợ quốc gia này chống lại đợt bùng phát của chủng 1b mới. Tuy nhiên nhiều  bệnh nhân vẫn còn do dự tiêm chủng. Anh Blaise Mukendi – một bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ bày tỏ lo ngại: “Tôi rất hoang mang, tôi cần một lời giải thích để biết vaccine sẽ ảnh hưởng đến cơ thể tôi như thế nào. Giống như đại dịch COVID-19, một số người chấp nhận tiêm vaccine, trong khi nhiều người khác từ chối vì họ lo ngại gặp các vấn đề khác sau đó. Vì vậy, với loại vaccine mới này, chúng tôi cần một lời giải thích rõ ràng về vai trò của nó đối với cơ thể. Nếu thực sự có hiệu quả, chúng tôi chắc chắn sẽ tiêm vaccine".

Đầu tháng này, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu sau khi đợt bùng phát mới chủng mới ở Congo đã lây lan sang các nước láng giềng. Tổ chức này đã báo cáo hơn 18.000 trường hợp nghi ngờ và 629 trường hợp tử vong do đậu mùa khỉ ở Congo trong năm nay. Tuy còn nhiều lo ngại, song Tiến sỹ Giâu Pululu khẳng định tiêm vaccine là phương pháp hiệu quả nhất để đề phòng dịch bệnh nghiêm trọng thêm:

“Với vaccine, đây là phương pháp điều trị phòng ngừa giúp mọi người có khả năng miễn dịch. Mọi người tiêm vaccine không chỉ tự bảo vệ mình mà còn bảo vệ những người khác, thế hệ này qua thế hệ khác. Ví dụ, bệnh đậu mùa đã được xóa sổ ở Congo từ năm 1986, nhưng bệnh đã quay trở lại vì khả năng miễn dịch của mọi người không còn ổn định nữa. Đó là lý do tại sao căn bệnh này lại tái phát, và đó là lý do tại sao chúng ta nên và phải tiêm vaccine cho mọi người ngay bây giờ".

Liên quan đến vaccine đậu mùa khỉ, ngoài vaccine của hãng dược phẩm Bavarian Nordic Đan Mạch, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hôm qua đã phê duyệt sử dụng vaccine ACAM2000 phòng ngừa căn bệnh đậu mùa khỉ của Hãng dược phẩm Emergent BioSolutions để sử dụng cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

CTV Mỹ Linh/VOV1 (biên dịch)

Theo Reuters    

 https://vov.vn/the-gioi/congo-chien-dau-voi-dot-bung-phat-dau-mua-khi-vaccine-bi-nghi-ngo-kem-hieu-qua-post1118028.vov