Cập nhật: 01/09/2024 07:28:00
Xem cỡ chữ

Tín dụng xanh là một trong những mục tiêu quan trọng được Chính phủ đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Chú thích ảnh

Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN

Mặc dù hầu hết các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai các gói, chương trình ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có dự án xanh, tuy nhiên việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ.

Doanh nghiệp tiếp cận lãi suất ưu đãi

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa triển khai gói tín dụng với quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng “Công trình Xanh”, cải tạo công trình hiện hữu thành “Công trình Xanh” và được cấp một trong các loại chứng nhận uy tín: LEED, LOTUS, EDGE, Green Mark.

Tham gia chương trình, doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận lãi suất cho vay ưu đãi, được giải ngân nhanh chóng, kịp thời và có sự hỗ trợ tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia, cán bộ có chuyên môn cao trong lĩnh vực tài trợ dự án. Chương trình được BIDV thực hiện từ nay đến hết ngày 31/12/2025. Trước đó, ngân hàng này cũng triển khai gói tín dụng xanh với quy mô 4.200 tỷ đồng dành riêng cho nhóm doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh.

Đáng chú ý, song song với sản phẩm cho vay xanh, BIDV cũng có sản phẩm “tiền gửi xanh” - nguồn vốn được ngân hàng dành cho các hoạt động tín dụng xanh, hiện đã huy động hơn 5.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sử dụng tiền gửi xanh sẽ được BIDV cấp giấy chứng nhận, và ngân hàng sẽ công bố minh bạch các dự án sử dụng nguồn vốn huy động từ sản phẩm này trên Báo cáo thường niên.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng công bố gói tín dụng lên tới 5.000 tỷ đồng dành riêng cho doanh nghiệp có phương án, dự án xanh. Đáng chú ý, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 0% cho dự án năng lượng tái tạo, sạch; giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý nước và chất thải bền vững; xây dựng và bất động sản xanh trong 3 tháng đầu.

Chính sách này được TPBank thực hiện nhằm thực hiện cam kết của về quản lý rủi ro môi trường và vai trò của ngân hàng trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, ít carbon.

Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành 5.000 tỷ đồng trong chương trình tài chính xanh Green UP để cấp vốn cho các dự án, phương án mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) thì triển khai gói tín dụng xanh có quy mô 3.000 tỷ đồng với lãi suất cạnh tranh nhằm tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Trước đó, đầu năm 2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) cũng triển khai gói tín dụng xanh/xã hội 2.000 tỷ đồng cùng nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội.

Ngoài các gói tín dụng hiện hữu từ các ngân hàng trên, nhiều ngân hàng thương mại khác như Agribank, MBBank, HDBank, Nam A Bank… cũng có các chương trình ưu đãi khác dành cho các doanh nghiệp, dự án xanh. Trong đó, phải kể đến HDBank, đây là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai hệ thống đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong cấp tín dụng; tiên phong thúc đẩy tín dụng xanh với hàng trăm triệu USD trong những năm qua cho các dự án năng lượng tái tạo, các dự án nông nghiệp hữu cơ tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các dự án chuyển đổi xanh và thân thiện với môi trường trên cả nước.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 22% mỗi năm. Tính đến cuối tháng 3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dù có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao, nhưng với xuất phát điểm thấp và tỷ trọng chỉ chiếm 4,5% dư nợ toàn nền kinh tế cho thấy quy mô tín dụng xanh ở Việt Nam vẫn còn khá thấp, có nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, một trong những lý do khiến tỷ lệ tín dụng xanh còn thấp, đó là do các ngân hàng không đủ thanh khoản tài trợ cho các dự án xanh. Bởi lẽ, các dự án xanh thường là các dự án dài hạn 5-10 năm, thậm chí đến 20 năm, với lãi suất ở mức thấp; trong khi đó 80% vốn huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn.

Với nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn, việc các ngân hàng phải tài trợ cho dự án trung, dài hạn và có lãi suất thấp là rất khó khăn, nhất là khi các ngân hàng còn đang bị siết tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Chưa kể, rủi ro của các dự án xanh như dự án cải tạo môi trường, năng lượng sạch… là có, do chưa có tiêu chuẩn định kết quả rõ ràng.

Ngoài vấn đề trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cũng cho biết, còn một số điểm nghẽn khiến trong tín dụng xanh. Cụ thể, Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, thống nhất liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh như: danh mục phân loại xanh, chưa có quy định, hướng dẫn về đánh giá tác động xã hội đối với dự án. Bên cạnh đó, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực tài chính xanh, kỹ thuật môi trường tại Việt Nam còn khá hạn chế.

Đặc biệt, việc thiếu cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa Chính phủ, các cơ quan quản lý với các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hoạt động ngân hàng xanh, phát triển bền vững như ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng cho các tổ chức cho vay… khiến cho việc thúc đẩy tín dụng xanh chưa phát triển như kỳ vọng.

Để tháo gỡ vướng mắc trong việc cung cấp tín dụng cho các dự án xanh, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển tài chính xanh ở Việt Nam; có hướng dẫn cụ thể về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam để các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh…

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 1663 ngày 6/8/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604 ban hành năm 2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, Quyết định vừa ban hành có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Trong đó, những bổ sung liên quan đến tổ chức tín dụng là cần thiết và có định hướng mở rộng điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh.

Điều chỉnh này có ý nghĩa toàn diện mang lại nhận thức đầy đủ trách nhiệm từ tất cả các tổ chức tín dụng về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Đây chính là cơ sở và điểm khởi đầu để thực hiện hoạt động tín dụng xanh, mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh của mỗi tổ chức tín dụng

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa vào nhiều chương trình tín dụng, cũng như ban hành nhiều văn bản liên quan như Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030… Mục tiêu là yêu cầu đến năm 2025, có 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp tín dụng...

Theo Hứa Chung (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/ngan-hang-rot-hang-nghin-ty-dong-vao-cac-du-an-xanh-20240831134239801.htm