Tiếng trống khai trường đã gióng lên những hồi giục giã, báo hiệu năm học 2024 - 2025 chính thức bắt đầu. Hàng triệu học sinh cả nước hân hoan bước vào năm học mới với niềm tin, khí thế mới và quyết tâm gặt hái thật nhiều thành công.
Náo nức ngày khai giảng
Sáng 5/9, tiết trời thu trong xanh, học sinh các cấp học từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo hân hoan bước vào năm học mới với niềm tin và kỳ vọng mới.
Hòa cùng không khí ngày tựu trường trên khắp mọi miền Tổ quốc, gần 2,3 triệu học sinh Thủ đô náo nức tới trường tham dự Lễ khai giảng năm học mới. Từ sáng sớm, các cung đường của Thủ đô đã tấp nập người, xe. Các em học sinh mặc những bộ đồng phục mới tinh, đến trường từ sớm. Năm học này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô giáo dục với hơn 2.900 trường học, gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chuẩn bị cho năm học mới, thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, đào tạo nhân lực thời kỳ mới...
Tại TP Hồ Chí Minh, thời tiết thuận lợi trong ngày khai giảng đã tiếp thêm sự hào hứng phấn khởi cho học sinh và phụ huynh bước vào năm học mới. Năm học này, Thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh ở các bậc học (tăng hơn 24.000 em so với năm học trước). Đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới. Trong đó, ngành Giáo dục nhấn mạnh việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Chuyên Sơn La. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN
Thời gian qua, tại Sơn La có mưa lớn kéo dài, gây lũ quét, sạt lở đất, đá, cuốn trôi nhiều nhà ở của người dân và làm ngập úng, hư hỏng nhiều trường học. Khắc phục hậu quả mưa lũ, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành Giáo dục, cán bộ, giáo viên ở các trường bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã nỗ lực huy động nguồn lực mua sắm vật dụng, thu dọn, sửa chữa phòng, lớp học bảo đảm cơ sở vật chất bước vào năm học mới.
Tại huyện miền núi biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), mặc dù có điểm trường cách xa trung tâm 15 km, nhưng sáng 5/9, hàng trăm học sinh đã có mặt tại trường từ rất sớm để tham dự Lễ khai giảng. Buổi lễ diễn ra thành công, trong không khí tưng bừng, phấn khởi; kỳ vọng một năm học mới đạt thành tích cao.
Học sinh ở thị trấn Trường Sa cùng bố mẹ đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2024 -2025. Ảnh: TTXVN phát
Ở các trường tiểu học ở thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và đảo Đá Tây của huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã đưa con em của mình đến trường dự Lễ khai giảng diễn ra trong không khí vui tươi và rực rỡ cờ hoa. Học sinh hân hoan trong những bộ quần áo mới, có thể thấy rõ niềm vui trên những khuôn mặt trẻ thơ, niềm tự hào của các bậc phụ huynh. Trước ngày khai giảng, các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, phụ huynh, học sinh ở xã đảo và thị trấn Trường Sa cùng dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, chỉnh trang lớp học.
Nhân dịp khai giảng năm học 2024-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư gửi ngành Giáo dục. Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước biểu dương tinh thần thi đua, phấn đấu của thầy, trò cả nước, cũng như sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả của toàn ngành Giáo dục, sự đồng hành, hỗ trợ của các bậc phụ huynh trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: “Năm học mới 2024-2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở tất các các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, tôi mong ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng: “Các em học sinh, sinh viên, học viên sẽ nỗ lực học tập, tu dưỡng, tiếp thu và làm chủ kiến thức, hình thành những năng lực cốt lõi, tạo dựng những khát vọng lớn lao để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời mong “các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao quý của mình”.
Trong sáng 5/9, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự, chung vui cùng nhà trường, học sinh trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tới chúc mừng thầy và trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự lễ khai giảng tại Trường Trung học phổ thông Phạm Hùng (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm và dự khai giảng tại Trường Trung học cơ sở Trừ Văn Thố (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm Trường Mầm non Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự Lễ khai giảng cùng thầy - trò Trường Trung học cơ sở Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Phó Thủ tướng Lê Thành Long tới chúc mừng và dự Lễ khai giảng tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình)…
Các đồng chí đều khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, dành những điều tốt đẹp nhất để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đảm bảo cho trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng cuộc sống con người và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, khẳng định năng lực cạnh tranh, vị thế của quốc gia ở khu vực và thế giới.
Đồng thời mong muốn, các em đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; chuẩn bị đầy đủ hành trang tri thức, kỹ năng, định hướng nghề nghiệp với những hoài bão lớn cho hành trình lập nghiệp trong tương lai. Mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ “là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hết mực yêu thương, dạy dỗ tận tình học sinh; “Cô thầy như mẹ cha”, thực sự là người truyền lửa, khơi dậy cảm hứng, động lực để các em say mê học tập, rèn luyện các phẩm chất, khám phá chân trời mới của tri thức.
Dồn sức cho giáo dục phổ thông
Năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiến tới Đại hội đảng các cấp.
Đây cũng là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12; là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương".
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, xác định đây là năm học quan trọng, Bộ đã có sự chuẩn bị từ những năm học trước. Phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ đã bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024. Tính ổn định lâu dài của quy chế thi đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Kế hoạch năm học và các hướng dẫn với từng cấp học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ rất sớm, trong đó đề cập cụ thể từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương triển khai nhiệm vụ.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành để đưa giáo dục nước nhà tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ. Bộ trưởng chúc các thầy cô sẽ thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến; các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ.
Theo Vũ Bắc/TTXVN (tổng hợp)
https://baotintuc.vn/giao-duc/nam-hoc-moi-voi-quyet-tam-moi-nhieu-sang-tao-va-tien-bo-20240905141534037.htm