Cập nhật: 09/05/2025 07:41:00
Xem cỡ chữ

Từ năm học 2025 - 2026, học sinh tiểu học và THCS sẽ được học 2 buổi/ngày miễn phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc này không chỉ giảm gánh nặng chi phí cho hàng triệu gia đình mà còn hướng đến mục tiêu lâu dài: xây dựng một nền giáo dục công bằng, hiện đại.

Phụ huynh phấn khởi vì con có cơ hội học tập tốt hơn

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngành giáo dục và chính quyền các địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai dạy học 2 buổi/ngày miễn học phí tại bậc tiểu học và THCS từ năm học 2025–2026. Tổng Bí thư cũng thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới, trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi (bao gồm cả học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh là người dân tộc Kinh sinh sống tại các xã biên giới).

Chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc này không chỉ giảm gánh nặng chi phí cho hàng triệu gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, giúp cho các em đều có cơ hội học tập đầy đủ. Chính vì vậy, đã nhận được sự đồng thuận cao từ các thầy cô giáo, phụ huynh và chuyên gia.

day 2 buoi ngay, mien hoc phi - quyet sach dot pha vi mot nen giao duc cong bang hinh anh 1

Đây là cơ hội để các em nhỏ ở vùng cao sẽ không bị tụt lại phía sau và được phát triển toàn diện

Chị Đoàn Thị Côi, phụ huynh có 2 con học lớp 8 và lớp 6 tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Gia đình tôi có 3 con nhỏ, chỉ có nghề làm nông nên thu nhập bấp bênh. Có những ngày cháu chỉ học một buổi rồi về lặn lội đường xa về nhà ăn cơm một mình vì bố mẹ đi làm. Nếu được học hai buổi, có cơm trưa, con tôi sẽ được ở lại trường an toàn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vậy thì bố mẹ sẽ yên tâm hơn. Người dân vùng cao chúng tôi biết ơn chính sách này vì đây là cách tốt nhất để giúp con em dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên...".

Còn chị Nguyễn Thị Hồng, phụ huynh học sinh lớp 4 tại huyện Ý Yên, Nam Định cũng cho biết: "Lâu nay, gia đình tôi vẫn phải xoay xở từng bữa ăn, lo cho con đủ sách vở đã khó, nói gì đến chuyện cho con học 2 buổi/ngày. Nghe tin từ năm 2025 con sẽ được học cả ngày, lại không mất tiền học, còn được hỗ trợ bữa trưa, tôi thực sự mừng đến rơi nước mắt. Đây là một chính sách nhân văn, sát thực tế, giúp những gia đình nghèo như chúng tôi bớt nỗi lo mà yên tâm lo cho con cái học hành nên người".

Là một giáo viên đã nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, vùng xa đang công tác tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), thầy Vũ Văn Tùng cho biết: “Ở nơi đây có đến hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc duy trì sĩ số lớp học luôn là một bài toán nan giải đối với các trường nơi đây. Nếu được miễn học phí và có thêm bữa ăn trưa tại trường các em sẽ không chỉ được học về văn hóa mà còn được rèn luyện sức khỏe. Tôi tin là chất lượng giáo dục nơi đây sẽ cải thiện rõ rệt”.

Thực tế tại trường nơi thầy Tùng đang công tác cho thấy, hiện nay chỉ có học sinh lớp 1 được hỗ trợ bữa ăn trưa từ chương trình “Bữa cơm có thịt” của Quỹ trò nghèo vùng cao. Còn lại, phần lớn học sinh vẫn phải về nhà ăn trưa. Nhiều em phải trèo đèo, lội suối để lên tận nương ăn cơm với bố mẹ rồi chiều mới quay lại trường. Vì thế, nhiều em thường xuyên bỏ học buổi chiều. Thầy Tùng cho rằng, nếu có bữa trưa tại trường thì học sinh sẽ được ở lại học buổi chiều, giảm tỉ lệ nghỉ học và góp phần duy trì sĩ số ổn định hơn.

"Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Tổng Bí thư và lãnh đạo các cấp. Những chính sách này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho giáo dục, đặc biệt là những vùng khó khăn. Đây cũng là cơ hội để các em nhỏ ở vùng cao sẽ không bị tụt lại phía sau và được phát triển toàn diện... Không chỉ riêng tôi, mà tất cả thầy cô, phụ huynh và người dân ở vùng sâu, vùng xa đều rất vui mừng khi nghe thông tin về chính sách miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh từ năm học 2025–2026. Nếu được thực hiện, chính sách này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn và giúp học sinh không còn phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn...”, thầy Vũ Văn Tùng, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp bày tỏ.

Bước đi thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục

Theo các chuyên gia giáo dục, việc hỗ trợ bữa ăn học đường không chỉ giúp học sinh có đủ dinh dưỡng để học tốt mà còn góp phần duy trì sĩ số lớp học, giảm tỷ lệ bỏ học và tăng hiệu quả giáo dục toàn diện. 

day 2 buoi ngay, mien hoc phi - quyet sach dot pha vi mot nen giao duc cong bang hinh anh 2

Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp đang thực hiện mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” để hỗ trợ học sinh và duy trì sĩ số đến lớp ổn định.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – nhận định: “Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục quốc dân hiện đại, bình đẳng. Dạy 2 buổi/ngày không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn giúp học sinh được tiếp cận với văn hóa, nghệ thuật, rèn luyện thể chất. Nhưng để làm được, cần có điều kiện trường lớp, giáo viên, chương trình học và cả sự phối hợp từ nhiều bộ ngành, không thể để ngành giáo dục tự làm một mình”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng hiện nhiều trường còn thiếu sân chơi, phòng chức năng, thiếu giáo viên dạy năng khiếu. Vì vậy, việc đầu tư phải đồng bộ, không thể “nâng giờ học” mà không nâng điều kiện học.

PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Chỉ đạo của Tổng Bí thư về miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh là một quyết định mang tính chất tiên phong, rất nhân văn và đầy ý nghĩa thực tiễn. Đây là chính sách khiến rất nhiều người dân cảm thấy được động viên, khích lệ, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến các gia đình, đặc biệt là những hộ còn nhiều khó khăn. Chính sách này, nếu được triển khai tốt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, sẽ giúp tăng tỷ lệ học sinh đến lớp, giảm tình trạng bỏ học vì khó khăn kinh tế".

“ Nếu việc này triển khai hiệu quả, chúng ta có thể tiến tới thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập và chất lượng giáo dục giữa các vùng miền - một bước đi hướng tới công bằng trong giáo dục. Không để các em học sinh phải chịu thiệt thòi chỉ vì xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn. Đây là sự đầu tư đúng đắn vào con người - một nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước trong tương lai”, TS Trần Thành Nam khẳng định.

Theo Thu Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/day-2-buoingay-mien-hoc-phi-quyet-sach-dot-pha-vi-mot-nen-giao-duc-cong-bang-post1197982.vov