Du lịch giáo dục hay du lịch trải nghiệm giáo dục là loại hình không mới trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, các hoạt động tại nhiều địa phương chủ yếu hướng đến trải nghiệm cho học sinh, ít có mô hình cung cấp trải nghiệm chuyên môn sâu để đạt được các yếu tố học thuật trong du lịch giáo dục.
Du lịch giáo dục có nhiều thuận lợi để phát triển tại Việt Nam, bởi dân tộc ta có truyền thống hiếu học, và nhìn chung nhu cầu học tập của người Việt, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên, trẻ em Việt Nam rất cao, nhất là học tập thực tế, trải nghiệm tại các điểm đến. Nhu cầu của các gia đình, phụ huynh tìm kiếm tour giáo dục giúp con em nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử, khoa học... cũng ngày càng tăng.
PGS.TS Nguyễn Đức Thắng - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cho rằng, bề dày lịch sử Việt Nam chứa đựng nhiều di sản, di tích, danh nhân, khảo cổ... cùng với không gian văn hóa của 54 dân tộc góp phần rất quan trọng cho việc hình thành du lịch giáo dục. Việt Nam cũng có nhiều hệ sinh thái, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, sông ngòi, nguồn nước, khí hậu, động thực vật phong phú nên sẽ rất có giá trị hình thành các điểm du lịch giáo dục thiên nhiên.
Du khách tìm hiểu các hiện vật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Tuy nhiên hiện nay, tại nhiều điểm du lịch giáo dục, sản phẩm còn đơn điệu, thiếu hẫp dẫn, thiếu tương tác hoặc dịch vụ phụ trợ dẫn đến sự nhàm chán cho khách tham gia. Riêng về chương trình du lịch giáo dục cho học sinh, các trường chủ yếu dựa vào những dịch vụ có sẵn trên thị trường, thay vì chủ động lên nội dung có tính học tập. Còn các đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch giáo dục hầu hết được đầu tư nhằm đáp ứng về mặt số lượng và phục vụ vui chơi, giải trí chứ ít có sự tham gia tư vấn của nhà giáo, nhà khoa học.
"Về tổng thể, chưa có cơ chế chính sách đặc thù ưu tiên phát triển du lịch giáo dục; thiếu mô hình tốt về du lịch giáo dục. Các nhà trường và du khách như học sinh, sinh viên còn bị động trong việc trải nghiệm du lịch giáo dục. Ngoài ra, nhân lực tại nơi đón tiếp các đối tượng này ít được đào tạo chuyên sâu về du lịch giáo dục, nên các sản phẩm cung cấp mang tính giải trí là chính; còn tính chất học thuật, trải nghiệm thực tiễn gắn với các mục tiêu giáo dục còn nhạt nhòa", PGS.TS Nguyễn Đức Thắng cho biết.
Sản phẩm du lịch giáo dục học đường mới được ra mắt tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ.
Nhận định của PGS.TS Nguyễn Đức Thắng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) trình bày tại hội thảo "Du lịch giáo dục Việt Nam – định hướng và giải pháp phát triển". Theo nhóm nghiên cứu, nhân lực tại các cơ sở du lịch giáo dục còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, phải kiêm nhiệm nhiều vai trò trong khi thu nhập hạn chế và thời gian làm việc không ổn định, chênh lệch giữa mùa cao điểm và thấp điểm. Chưa có sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và công ty du lịch để xây dựng, phát triển tour du lịch phục vụ công tác giáo dục.
Theo ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến du lịch giáo dục chưa hiệu quả là việc tổ chức tập trung vào một số thời điểm nhất định trong năm học, khiến số lượng học sinh tham gia quá đông, gây ảnh hưởng đến chất lượng chương trình. Đơn vị tổ chức tour phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an toàn, thực phẩm, phương tiện... cho số lượng lớn học sinh vào cùng một thời điểm, nên khó có thể đầu tư cho nội dung tour sao cho hấp dẫn, nhiều trải nghiệm hơn.
Học sinh tham gia hoạt động ngoài trời tại khu du lịch Quảng Ninh Gate, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Trang
Từ góc độ cơ sở cung cấp sản phẩm, bà Nguyễn Thị Trang - đại diện khu du lịch Quảng Ninh Gate (tỉnh Quảng Ninh) cho biết hiện nay các chương trình du lịch giáo dục "gặp khó" vì vừa phải đáp ứng nhu cầu du lịch giải trí của du khách, đồng thời phải tuân theo quy định của ngành giáo dục. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi hơn, các tour du lịch giáo dục được tổ chức thường xuyên, định kỳ cho học sinh, sinh viên không chỉ đáp ứng tốt mục tiêu giáo dục mà còn có thể giúp nhiều điểm đến du lịch khắc phục tính mùa vụ.
"Dù là sản phẩm du lịch nhưng các chương trình du lịch giáo dục đang bị ảnh hưởng bởi nhiều quy định khác, như kế hoạch tiến độ trong năm học, thời điểm tổ chức, địa điểm không được quá xa... Nhiều chuyến tham quan giáo dục bị coi là chuyến đi chơi thuần túy cho học sinh nên yếu tố giáo dục bị xem nhẹ, và các trường cũng có thể ngay lập tức dừng hoạt động này nếu có vụ việc phát sinh. Chúng tôi rất mong được hợp tác với nhà giáo, chuyên gia, cơ sở giáo dục tạo ra những chương trình phù hợp, chất lượng cho từng đối tượng học sinh, từ tiểu học đến trung học phổ thông", bà Nguyễn Thị Trang cho biết.
Theo Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/tu-van/lam-sao-nang-cao-hieu-qua-cho-du-lich-giao-duc-du-lich-hoc-duong-post1118458.vov