Trái tim là "cỗ máy" quan trọng nhất trong cơ thể, đảm nhiệm chức năng bơm máu, cung cấp oxy và dưỡng chất đến mọi tế bào. Tuy nhiên, nhiều thói quen tưởng chừng vô hại trong cuộc sống hàng ngày lại đang âm thầm "bóp nghẹt" trái tim bạn, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm.
Thói quen lười vận động
Trong xã hội hiện đại, lối sống ít vận động đang trở thành một mối đe dọa thầm lặng đối với sức khỏe tim mạch. Khi bạn ít vận động, lượng calo nạp vào cơ thể không được đốt cháy hết sẽ chuyển hóa thành mỡ thừa, tích tụ trong cơ thể, đặc biệt là vùng bụng. Mỡ thừa làm tăng cholesterol xấu (LDL), giảm cholesterol tốt (HDL), gây xơ vữa động mạch.
Ít vận động khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm chạp, gây gia tăng cholesterol xấu trong máu. Cholesterol xấu bám vào thành mạch máu, hình thành các mảng xơ vữa, làm hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông máu. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục với cường độ vừa phải sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời.
Nhiều thói quen tưởng vô hại nhưng âm thầm “bóp nghẹt” trái tim bạn mỗi ngày. Ảnh: Istock
Nhịn bữa sáng
Bỏ bữa sáng không chỉ đơn giản là việc bạn cảm thấy hơi đói bụng vào buổi sáng, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ đáng kể cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 22% và nguy cơ tử vong cao hơn 25% so với những người ăn sáng đều đặn.
Bỏ bữa sáng làm tăng đề kháng insulin, gây rối loạn chuyển hóa glucose, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch. Nhịn đói ảnh hưởng đến nhịp tim, tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, đặc biệt là nhịp tim nhanh.
Thức khuya, thiếu ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Thức khuya hay thiếu ngủ kinh niên không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào ban ngày mà còn âm thầm gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho trái tim.
Bằng cách gây ra tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng cholesterol xấu và kháng insulin, thiếu ngủ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa động mạch, từ đó làm tắc nghẽn mạch máu và gây ra nhồi máu cơ tim. Vì vậy, nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm, tạo thói quen ngủ đúng giờ, giữ không gian ngủ yên tĩnh, thoáng mát.
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Ảnh: Getty Images
Căng thẳng kéo dài
Căng thẳng kéo dài chính là 'kẻ thù số một' của trái tim. Khi căng thẳng kéo dài, cơ thể chúng ta như một nhà máy sản xuất hormone cortisol, chất xúc tác đẩy nhanh nhịp tim, tăng huyết áp và làm rối loạn đường huyết.
Điều này khiến tim phải làm việc quá sức, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và rối loạn nhịp tim. Bạn nên học cách quản lý căng thẳng bằng các phương pháp như thiền, yoga, nghe nhạc, đọc sách, dành thời gian cho sở thích...
Ăn nhiều chất béo ảnh hưởng đến sức khỏe
Thói quen tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên rán và các sản phẩm chế biến sẵn chứa hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý tim mạch. Các chất béo này làm tăng đáng kể lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu, gây xơ cứng động mạch và hình thành các mảng bám.
Điều này làm hẹp lòng mạch máu, cản trở lưu thông máu đến tim, từ đó gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các loại thực phẩm này còn góp phần gây ra tình trạng béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp và các bệnh mãn tính khác, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.
CTV Thu Phương/VOV.VN (Biên dịch)
Theo Endeavorhealth
https://vov.vn/suc-khoe/5-thoi-quen-tuong-vo-hai-nhung-am-tham-bop-nghet-trai-tim-ban-moi-ngay-post1126886.vov