Chấn thương dây chằng chéo sau là tình trạng bị căng, rách hoặc đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau đầu gối.
Chấn thương dây chằng chéo sau thường ít gây đau đớn, mất ổn định hay khó đi lại như khi bị tổn thương dây chằng chéo trước. Nhưng chấn thương này cũng có thể khiến bạn mất nhiều thời gian phục hồi, và trở thành tiền đề cho nguy cơ thoái hóa khớp gối về sau.
1. Tổng quan về chấn thương dây chằng chéo sau
Đứt dây chằng chéo sau là tình trạng bị căng, rách hoặc đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau đầu gối. Chấn thương này thường xuất hiện khi phần đầu gối phía trước bị va chạm mạnh do tai nạn giao thông, chấn thương thể thao…
Dây chằng chéo sau và dây chằng chéo trước hợp với nhau tạo thành chữ X ở giữa đầu gối, giúp kết nối xương đùi với xương ống chân với nhau. Khi một trong hai dây chằng bị chấn thương có thể gây đau, sưng và cảm giác mất ổn định cho khớp gối.
Tổn thương dây chằng chéo sau có 4 cấp độ:
-
Độ I: Dây chằng chéo bị rách một phần
-
Độ II: Dây chằng bị rách một phần và gối lỏng hơn độ I
-
Độ III: Dây chằng chéo bị đứt hoàn toàn gây mất vững khớp gối
-
Độ IV: Dây chằng sau bị tổn thương cùng với một dây chằng khác ở đầu gối.
-
-
Chấn thương dây chằng chéo sau là tình trạng bị căng, rách hoặc đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau đầu gối.
2. Nguyên nhân gây chấn thương dây chằng chéo sau
Dây chằng chéo sau có thể bị rách hoặc đứt khi bạn bị va đập mạnh ở vùng đầu gối. Nguyên nhân thường gặp là do:
-
Tai nạn giao thông. Nếu xảy ra va chạm, phần đầu gối thường đập mạnh vào bảng điều khiển hay ghế phía trước gây tổn thương dây chằng chéo sau.
-
Gặp chấn thương khi chơi thể thao. Các môn bóng đá, bóng bầu dục, bóng chày, trượt tuyết… cũng có nhiều nguy cơ bị rách dây chằng chéo khi bị ngã. Chơi thể thao không có dụng cụ bảo hộ hoặc dụng cụ không đảm bảo chất lượng; thiếu khởi động hoặc khởi động không nghiêm túc.
3. Triệu chứng chấn thương dây chằng chéo sau
Các tổn thương liên quan đến dây chằng chéo sau có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Trong đó, tổn thương cấp tính là do chấn thương xuất hiện một cách đột ngột. Ngược lại, các tổn thương mạn tính có liên quan đến chấn thương dây chằng chéo sau phát triển theo thời gian.
Chấn thương đứt dây chằng chéo sau thường không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên cần lưu ý triệu chứng có thể biểu hiện bị chấn thương dây chằng chéo:
-
Sưng tấy đầu gối.
-
Đau ở mức độ nhẹ, trung bình ở khu vực đầu gối và khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi đi lại, nhất là khi dồn lực sang chân bị chấn thương.
-
Mất ổn định: Bạn có thể cảm nhận được sự lỏng lẻo ở khu vực khớp gối, nhất là khi di chuyển.
Hầu hết các trường hợp chấn thương dây chằng chéo sau thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các cấu trúc khác của đầu gối bị tổn thương, không được điều trị đúng cách cũng có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
4. Chẩn đoán và điều trị chấn thương dây chằng chéo sau
Để đảm bảo đưa những phác đồ điều trị chính xác, bác sĩ sẽ cần phối hợp nhiều phương pháp trong quá trình chẩn đoán, bao gồm: Thăm hỏi; Kiểm tra thể chất; Kiểm tra bằng máy đo khớp; Kiểm tra dáng đi; Chụp X-quang; Chụp cộng hưởng từ; Chụp cắt lớp vi tính (CT); Siêu âm.
Việc điều trị ban đầu đối với chấn thương dây chằng chéo sau có thể được thực hiện theo phương pháp sơ cứu chấn thương RICE (Rest là nghỉ ngơi, Ice là chườm lạnh, Compression là băng ép và Elevation là nâng cao). Cách thức thực hiện bao gồm:
-
Bảo vệ đầu gối bằng cách nghỉ ngơi để tránh chấn thương nặng hơn
-
Chườm lạnh đầu gối 15 phút và cách quãng rồi lại tiếp tục chườm
-
Ép đầu gối nhẹ nhàng bằng băng thun
-
Gác chân lên gối cao nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau thông thường. Nếu sau 48 tiếng tình hình không thuyên giảm thì phải đến bệnh viện ngay
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi bạn bị chấn thương dây chằng chéo sau, nhưng tình trạng nghiêm trọng như dây chằng bị đứt hoàn toàn, khớp gối bị lỏng, chấn thương liên quan đến các dây chằng khác. Sau khi phẫu thuật, bạn cần một thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi chức năng, có thể dao động từ 26 – 52 tuần.
Việc điều trị ban đầu đối với chấn thương dây chằng chéo sau có thể được thực hiện theo phương pháp sơ cứu chấn thương RICE. Ảnh minh họa
5. Cách phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo sau
Có thể giảm thiểu nguy cơ đứt dây chằng chéo sau bằng cách:
-
Chọn các phương pháp vận động phù hợp với thể chất.
-
Chú trọng việc khởi động, nhất là các động tác kéo giãn thường xuyên để duy trì phạm vi chuyển động linh hoạt của khớp.
-
Tập luyện các bài tập giúp tăng cường các cơ đùi và cẳng chân để ổn định khớp.
-
Thận trọng khi chơi các môn thể thao thường gặp chấn thương dây chằng chéo sau.
-
Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng, nhất là chú trọng nhóm thức ăn giúp tăng cường sức khỏe của cơ.
-
Giữ cân nặng ở mức hợp lý, ngăn ngừa nguy cơ thừa cân béo phì để tránh gây áp lực cho khớp gối.
-
Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
-
Áp dụng chườm đá.
-
Không xoa bóp bằng dầu nóng, vì nó có thể dẫn đến sưng tấy, teo cơ và cứng khớp.
-
Nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động để tránh những hậu quả phức tạp và nghiêm trọng hơn.
-
Theo P suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/chan-thuong-day-chang-cheo-sau-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-phong-tranh-169241011150048225.htm