Cập nhật: 24/10/2024 13:58:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo 02 dự án luật trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó có Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đây là dự án Luật có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Tại buổi Tọa đàm trao đổi, lấy ý kiến tham gia xây dựng 03 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo do Công an tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, đại đa số ý kiến thảo luận của các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đều thống nhất đánh giá việc xây dựng, ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết.

Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực từ ngày 4/10/2001 đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Mặc dù vậy, quá trình thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.

Việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là vô cùng cần thiết nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về việc tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo đảm thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Luật mới sẽ đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; đồng thời cung cấp một cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục các hạn chế, vướng mắc và bất cập của pháp luật hiện hành.

Minh Ánh/Công an tỉnh