Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định vừa xác nhận một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại huyện Vĩnh Thạnh. Virus cúm A/H1N1 có khả năng lây nhiễm từ người sang người vô cùng mạnh mẽ và tấn công vào phổi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh cúm A/H1N1
Cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính thuộc dạng cúm theo mùa do chủng virus cúm A/H1N1 (tên khoa học virus pdm09 (A)) gây ra. Tên gọi phân nhóm H1N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 1 (H1) và neuraminidase nhóm 1 (N1).
Virus cúm A/H1N1 được phát hiện trên lợn đầu tiên, song virus có khả năng lây nhiễm từ người sang người vô cùng mạnh mẽ và tấn công vào lá phổi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người mắc cúm A/H1N1 có thể do nguyên nhân dưới đây:
-
Do hít phải không khí có chứa dịch tiết của người nhiễm bệnh khi sổ mũi, ho, hắt hơi.
-
Tiếp xúc gián tiếp: khi chạm tay vào đồ vật có chứa virus A/H1N1 như mặt bàn, ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng… rồi đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng, virus sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cúm.
-
Tiếp xúc trực tiếp: người bị nhiễm cúm A/H1N1 có khả năng lây bệnh cho người xung quanh trong vòng 7 ngày từ khi có triệu chứng của bệnh. Do đó, người bình thường khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua giao tiếp, hôn hoặc quan hệ tình dục thì nguy cơ lây nhiễm cúm A/H1N1 là rất cao.
-
-
Người bị nhiễm cúm A/H1N1 có khả năng lây bệnh cho người xung quanh trong vòng 7 ngày từ khi có triệu chứng của bệnh.
Đặc biệt là ở môi trường công cộng, đông người như công viên, lễ hội,… thì virus càng lây lan mạnh mẽ hơn.
Ghi nhận cho thấy virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường (ngoại cảnh), có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ… hay có thể tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.
Đặc biệt, cúm A/H1N1 có thể sống lâu trong môi trường nước như sống đến 4 ngày ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống vài tuần ở nhiệt độ 0-4 độ C. Do đó, các hồ bơi, điểm bơi công cộng có thể tạo ra môi trường cho virus A/H1N1 hoạt động mạnh, nhất là vào thời tiết mưa nhiều, độ ẩm thấp, thiếu ánh nắng để tiêu diệt virus. Thậm chí, ở nhiệt độ -20 độ C và đông khô, virus cúm có thể tồn tại cả năm.
Triệu chứng nhận biết bệnh cúm A/H1N1
Người nhiễm cúm A/H1N1 thường có các triệu chứng như cúm bình thường, tuy nhiên có kèm theo một số dấu hiệu đặc trưng hơn, cụ thể:
-
Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh. Người bệnh thường sốt cao hơn 38 độ C.
-
Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ, biếng ăn, cơ thể suy nhược.
-
Đau họng, viêm họng, ho khan.
-
Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở.
-
Buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy.
Sốt cao, ớn lạnh hoặc rét run, nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu ở ngực…là triệu chứng đặc trưng của cúm mùa. Vì vậy, khi có biểu hiện này cần phải cảnh giác với cúm A/H1N1.
Thực tế cho thấy, các triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 có thể từ nhẹ đến nặng tùy mỗi người. Về cơ bản, người mắc cúm thường sốt 2 – 5 ngày, trong khi các bệnh về đường hô hấp do virus khác thường hết sốt sau 24 – 48 giờ.
Các triệu chứng cúm A/H1N1 thường được cải thiện sau 2 – 5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài 7 ngày hoặc hơn. Đặc biệt, người bệnh cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1 và các bệnh lý tương tự như cảm lạnh, cúm thông thường...để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng chống cúm A/H1N1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp dưới đây:
-
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế tối đa việc đưa tay trực tiếp lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; sử dụng hàng ngày các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt.
-
Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, nơi làm việc.
-
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm virus cúm, bảo vệ cơ thể.
-
Những đối tượng có nguy cơ cao như người mắc bệnh mạn tính, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ có thai cần tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc nghi mắc cúm.
-
Phòng tránh lây nhiễm cúm A/H1N1 chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh: người thân và bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế; khi tiếp xúc với người bệnh nên giữ khoảng cách trên 1m.
-
Chủ động theo dõi sức khỏe, thông báo ngay cho cơ sở Y tế khi có triệu chứng cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong
-
Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Đặc biệt, chủ động tiêm chủng vaccine cúm đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại hằng năm là biện pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ cơ thể trẻ em, người lớn chống lại bệnh cúm.
Người đàn ông tử vong do cúm A/H1N1
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho hay đã báo cáo Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế về 1 trường hợp được xác nhận tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại huyện Vĩnh Thạnh. Bệnh nhân là ông T.V.T, sinh năm 1973, ở khu phố Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh.
Trước đó, đêm 13/10, bệnh nhân được đưa vào TTYT huyện Vĩnh Thạnh, với chẩn đoán loét dạ dày/rối loạn tiền đình, viêm phế quản. Bệnh tiên lượng nặng nên bệnh nhân được chuyển lên BVĐK tỉnh ngày 17/10, vào khoa Cấp cứu, chuyển đến khoa Nội tổng hợp với chẩn đoán viêm phổi do virus; sau đó tiếp tục chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Đến chiều 17/10, bệnh nhân hôn mê, thở theo máy, sau đó co giật từng cơn ngắn và hôn mê sâu, nhịp tim xu hướng chậm dần, huyết áp không đo được… Bệnh nhân rất nặng nên người nhà xin cho về và bệnh nhân tử vong tại nhà tối cùng ngày.
Thông tin người nhà bệnh nhân cung cấp cho cơ quan y tế, bệnh của ông T.V.T khởi phát từ ngày 12/10, với triệu chứng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, khò khè, người nhà tự mua thuốc điều trị (không rõ loại thuốc) nhưng bệnh không thuyên giảm. Sau 1 ngày thì bệnh nhân sốt cao, mệt nhiều nên được đưa đến nhập viện tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh.
Nghi ngờ bệnh nhân mắc cúm A, ngày 17/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Pasteur Nha Trang làm xét nghiệm xác định. Kết quả, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Kết luận ông T.V.T tử vong do nhiễm cúm A/H1N1, biến chứng sốc nhiễm trùng/hội chứng Cushing do thuốc.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/cum-a-h1n1-can-duoc-phat-hien-som-tranh-tu-vong-169241023103728569.htm