Cập nhật: 13/11/2024 08:37:00
Xem cỡ chữ

Là một trong 3 khu thác nước ở Công viên du lịch Yang Bay, xã Khánh Phú, huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), Yang Bay được địa phương xác định phát triển du lịch theo hướng sinh thái gắn với du lịch cộng đồng.

Chú thích ảnh

Nước đổ từ thác Yang Bay trắng xóa như một dải lụa trắng. 

Huyền thoại về tình yêu

Du khách xuất phát từ thành phố Nha Trang theo tuyến đường Nha Trang (Khánh Hòa) đi Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 45 km sẽ đến Yang Bay. Trên cung đường đến với điểm du lịch này, du khách băng qua cánh rừng, nương đồi trù phú của người dân, rồi gặp được thác nước Yang Bay - nơi có vẻ đẹp riêng, tạo nên cảm giác trong mát, thu hút du khách.

Thác nước Yang Bay cao 80 m, chảy từ đỉnh cao gần 100m, đổ qua nhiều vách đá, rồi gom hết mạch ngầm, tỏa về xuôi, tạo thành dòng sông Cầu hiền hòa. Ngoài ra, khu du lịch còn có 2 dòng thác khác là Yang Khang và Ho Cho. Theo đồng bào Raglai, Yang Bay trong tiếng Raglai có nghĩa là "thác trời", Yang Khang có nghĩa là "con trời" và Ho-Cho có nghĩa là "thác mẹ".

Trong lúc chiêm ngưỡng thác nước, chị Kim Yến, trú tại phường Phước Long, thành phố Nha Trang cho biết: Gia đình chị thường có những chuyến đi dã ngoại để thư giãn sau 1 tuần làm việc căng thẳng. Đến với thác Yang Bay lần này, tinh thần của chị thoải mái hơn hẳn, bởi không khí của núi rừng trong veo, tiếng nước chảy từ trên cao xuống rất êm tai, cảm giác thế giới yên bình. Chị Yến rất hào hứng với địa điểm trải nghiệm này.

Chú thích ảnh

Thác Yang Bay đoạn phía dưới, tạo nên hồ nước là điểm tắm suối cho du khách vào mùa hè. 

Cũng như chị Yến, nhiều du khách khác trong hành trình khám phá Công viên du lịch Yang Bay rất thích thú với địa hình đồi núi có cây xanh, thác nước và cảnh quan xinh đẹp. Trong trang phục truyền thống Raglai, chị Chiêu Phích (người Raglai, 21 tuổi) vừa làm nhân viên của Công viên du lịch vừa là một hướng dẫn viên không chuyên, kể cho du khách nghe câu chuyện huyền thoại của dòng thác Yang Bay qua những điệu múa của mình.

Theo lời kể của chị, nhắc đến thác nước Yang Bay, nhân dân trong vùng đều nhớ đến câu chuyện huyền thoại về tình yêu giữa tiên nữ và chàng trai Raglai ở trần gian. Có nhiều huyền thoại về tình yêu này nhưng điểm chung là tình yêu của nàng tiên và người trần làm cảm động đến tận trời cao. Do đó, trời ban mưa xuống cho cây cối xanh tốt, động vật có nước uống, con người háo hức lao động… Đến Lễ mừng lúa mới của đồng bào, họ không bao giờ quên tạ ơn. Kể từ đó, dòng nước của trời ban không bao giờ cạn. Chẳng rõ hư thực thế nào, chỉ biết rằng thác nước trời (Yang Bay) tuôn chảy cho đến ngày nay, là mạch nguồn sự sống của núi rừng, của người Raglai bao thế hệ.

Còn nghệ nhân Cao Dy (48 tuổi, người Raglai) biểu diễn nghệ thuật bên thác nước Yang Bay với nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình như đàn đá, đàn Chapi, mã la, đàn Goong, sáo Tacung... Qua các làn điệu dân ca, hát múa dân gian có thể nói âm nhạc của người đồng bào trong lúc lên nương rẫy lao động là một vẻ đẹp rất khó tìm. Nghệ nhân Cao Dy cảm thấy may mắn và tự hào vì biết được một số làn điệu, nhạc cụ dân tộc và giờ đây có cơ hội lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống đó đến với nhân dân, du khách để mọi người đều biết đến các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào Raglai.

Phát triển du lịch sinh thái

Chú thích ảnh

Thác Yang Bay nhìn từ trên cao xuống uốn mình như dải tóc nàng tiên. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Theo ông Lê Dũng Lâm, Giám đốc Công viên du lịch Yang Bay, Công viên phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa. Dựa trên lợi thế tự nhiên sẵn có, đơn vị khai thác giá trị thiên nhiên trong lành, vẻ đẹp hút hồn của thác nước Yang Bay, nguồn nước nóng từ các thác Cho Ho và văn hóa bản địa Raglai… để làm nên những sản phẩm du lịch mang đặc trưng sinh thái núi rừng Khánh Vĩnh. Qua đó, góp phần quảng bá thêm nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam trong lòng du khách.

Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Vĩnh cho biết: Khánh Vĩnh được quy hoạch xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng dựa trên đặc trưng 70% dân số là dân tộc thiểu số với 23 dân tộc cùng các giá trị văn hóa đa dạng, phong phú. Thêm vào đó, cảnh quan tự nhiên đẹp, đặc sắc phù hợp phát triển các các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa, nông nghiệp, bản địa… Thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch tại địa phương. Công viên du lịch Yang Bay đã được Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) đầu tư, phát triển thành khu du lịch sinh thái từ năm 2023, với vẻ đẹp tự nhiên là đồi núi, thác nước. Ngoài thác Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh còn chú trọng phát triển các du lịch sinh thái ở các suối nước như: Khu du lịch suối Đá Bàn, Khu du lịch suối Lách - Mà Giá, Khu du lịch suối Lách 2, Khu du lịch Nhân Tâm 2, Điểm dừng chân Bến Lội, Khu du lịch suối Mấu - Thác Bầu…

Chú thích ảnh

Thôn nữ trong trang phục dân tộc người Raglai bên dòng thác Yang Bay. 

Thời gian tới, để tận dụng hơn nữa những lợi thế sẵn có, huyện chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, quảng bá các hình ảnh du lịch đẹp của huyện, trong đó có thác Yang Bay. Đây chính là sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu, dễ dàng định hình và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng khác bền vững, hiệu quả.

Theo Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/du-lich/trai-nghiem-du-lichthac-yang-bay-dong-nuoc-cua-troi-ban-20241111153257412.htm