Hôm nay (15/11), các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại thủ đô Lima của Peru bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Chương trình nghị sự dự kiến tập trung vào vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cũng như những thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc xác nhận, Tổng thống nước này - ông Yoon Suk Yeol sẽ tham dự cuộc gặp 3 bên đã được lên kế hoạch với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo 3 nước sau 15 tháng, kể từ cuộc gặp tại Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái.
Ảnh minh họa: The Japan News
Cuộc gặp thượng đỉnh lần này diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi dấy lên nhiều lo ngại rằng Chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể sẽ không tiếp tục duy trì quan hệ đối tác ba bên, giữa lúc căng thẳng không ngừng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trong cuộc họp báo chỉ một ngày trước cuộc gặp, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng, đây là cơ hội để có được phản ứng phối hợp giữa 3 bên trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên được lo ngại có thể sẽ tác động đến an ninh đối với châu Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đánh giá về tầm quan trọng của mối quan hệ này, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel vừa khẳng định: "Nếu nhìn vào tình hình khu vực này và muốn triển khai biện pháp răn đe, muốn đảm bảo an ninh cho lợi ích của nước Mỹ, thì tốt hơn là nên có đồng minh, bởi vì hãy nhớ rằng ở khu vực này, chúng ta có rất nhiều đồng minh. Đây là một hoạt động đa chiều, kéo dài nhiều năm mà cả ba quốc gia chứ không chỉ ba nhà lãnh đạo đều cam kết thực hiện. Hợp tác quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không gắn liền với nhiệm kỳ của bất kỳ nhà lãnh đạo của một quốc gia nào. Nó gắn liền với mục tiêu chiến lược của cả ba quốc gia là thể hiện sự răn đe”.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh quân đội 3 nước đang khởi động cuộc tập trận chung Freedom Edge lần thứ hai tại vùng biển Hoa Đông.
Chuẩn đô đốc của Hàn Quốc Hur Sung-Jae nhấn mạnh: "Cuộc tập trận này phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc ngăn chặn và ứng phó với mối đe dọa do Triều Tiên gây ra khi nước này phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), gây cản trở hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực Thái Bình Dương”.
Mục tiêu của cuộc tập trận là cải thiện khả năng hợp đồng tác chiến giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời củng cố khả năng răn đe, bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm bán đảo Triều Tiên.
Như một phản ứng đáp trả trước cuộc tập trận chung của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên vừa có động thái thị uy quân sự mới nhất. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay 15/11 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát cuộc thử nghiệm hiệu suất của thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công cảm tử và nhấn mạnh nhu cầu sản xuất hàng loạt nhanh chóng. Ông Kim Jong Un khẳng định, Triều Tiên có đủ khả năng và tiềm lực để sản xuất và giới thiệu nhiều loại UAV và sẽ tìm kiếm khả năng kết hợp và áp dụng các phương pháp chiến thuật mới và đầy hứa hẹn theo yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Phương Anh/VOV1
Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/nhung-van-de-nong-trong-cuoc-gap-thuong-dinh-my-nhat-han-post1135695.vov