Việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp trên mạng xã hội thời gian qua có xu hướng gia tăng. Điều này không chỉ dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước mà ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Để ngăn chặn triệt để hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, bên cạnh kiến nghị sửa đổi một số quy định của pháp luật, ngành thuế đang rà soát các quy định pháp luật về hóa đơn, đặc biệt là thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, lập hóa đơn điện tử.
Theo quy định pháp luật, hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho bên mua theo quy định pháp luật. Hóa đơn giá trị gia tăng cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp phải nộp, giúp Nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn.
Các chuyên gia kinh tế cho biết: Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là lợi dụng quy định trong đăng ký kinh doanh để thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua việc sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích.
Ngoài ra, các đối tượng còn thực hiện hành vi mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản sau đó thay đổi người đại diện pháp luật.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc thành lập các pháp nhân nhằm xuất hóa đơn đầu vào cho các công ty mà đối tượng đứng tên giám đốc, hoặc bán trái phép hóa đơn cho các đối tượng có nhu cầu. Hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Do mức thu lợi lớn nên hiện tượng chào bán hóa đơn giá trị gia tăng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp đang khá công khai trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… Thậm chí, khi mua hóa đơn, người mua còn được cung cấp đầy đủ các giấy tờ khác có liên quan như hợp đồng, phiếu thu, phiếu xuất kho...
Theo đó, chi phí mua hóa đơn được tính theo tỷ lệ phần trăm, giá trị càng cao thì phí xuất khống càng rẻ. Việc định giá chi phí cho một tờ hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của doanh nghiệp xuất hóa đơn, phí xuất hóa đơn của doanh nghiệp lâu năm sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập.
Tổng cục Thuế đã rất nhiều lần khẳng định: Hành vi đăng tải thông tin, quảng cáo mua bán trái phép hóa đơn là vi phạm các quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ. Tổng cục Thuế chỉ rõ, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của các mạng xã hội trên không gian mạng lập ra nhiều hội, nhóm, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội…, rao bán công khai các hóa đơn giá trị gia tăng của các “doanh nghiệp ma” với nhiều loại mặt hàng khác nhau để thu lợi bất chính.
Theo Tổng cục Thuế, chỉ tính riêng năm 2023, ngành thuế đã phối hợp với cơ quan công an đấu tranh chống gian lận hoá đơn, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố 88 hồ sơ; nhận 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận đề nghị, cơ quan thuế đã kịp thời phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan công an theo đúng quy định.
Theo đó, nhiều vụ án gian lận hoá đơn đã bị xử lý như vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp do Nguyễn Minh Tú cầm đầu; vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước; vụ án Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm can tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế”...
Tổng cục Thuế cho biết: Quan điểm của ngành thuế là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động phối hợp với cơ quan điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh hậu quả, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục Thuế, pháp luật hiện hành đang hướng đến sự bình đẳng, tôn trọng quyền kinh doanh chính đáng của mọi cá nhân và tổ chức. Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế trực tiếp khai, trực tiếp nội và trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Lê Thị Duyên Hải, hiện nay, doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được thực hiện bằng phương thức điện tử, chỉ sử dụng chữ ký số cấp cho tổ chức do các tổ chức cung cấp chữ ký số cấp (chữ ký nhân danh) là chưa đảm bảo chặt chẽ, không có thông tin xác thực danh tính của người sử dụng chữ ký số, không có chữ ký số của cá nhân là người lập hóa đơn hoặc chữ ký số của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trên hoá đơn (bản chất chữ ký số nhân danh được hiểu là thay cho con dấu của tổ chức).
Do đó, Tổng cục Thuế đề xuất bổ sung chữ ký số trên hóa đơn phù hợp với chữ ký số đã đăng ký trên tờ khai Mẫu 01ĐKTĐ/HĐĐT và phải xác thực danh tính, xác thực điện tử khi đăng ký theo quy định tại Nghị định số 69/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Thùy Dương (TTXVN)
https://baotintuc.vn/phap-luat/ngua-hau-hoa-hoa-don-bat-hop-phap-20241117133706500.htm