Cập nhật: 20/11/2024 07:21:00
Xem cỡ chữ

Ngày 19/11, Công an TP.HCM đã phát thông báo về việc cảnh báo 10 chiêu trò lừa đảo phổ biến đang diễn ra hiện nay.

10 chiêu trò lừa đảo phổ biến bao gồm: tự xưng cơ quan chức năng thông báo điều tra; lôi kéo dụ dỗ đầu tư tài chính, tiền ảo; hack facebook rồi nhắn tin vay tiền; thông báo trúng thưởng tiền hoặc tài sản có giá trị; gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng; nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng; chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; giả mạo thông tin học sinh bị tai nạn cấp cứu; mời nâng cấp sim điện thoại để chiếm đoạt; gọi điện giả dạng hình ảnh và giọng nói của người thân.

canh bao 10 chieu tro lua dao pho bien hinh anh 1

Gần đây, một vài phụ huynh đã bị mắc bẫy chiêu trò giả mạo thông tin học sinh bị tai nạn cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Để không bị mắc bẫy những chiêu trò lừa đảo, Công an TP.HCM lưu ý, người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ hay gửi mã OTP cho người khác; không chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ về họ; gọi điện xác nhận ngay khi có người vay tiền. Với loại tội phạm lừa đảo, chủ yếu vẫn là phòng ngừa. Vì thế, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước các cuộc gọi lạ.

Bên cạnh đó, Công an TPHCM đã có tham mưu, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý chặt hơn nữa việc mở tài khoản.

Cơ quan chức năng thông tin thêm, các cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại và các cách kiếm tiền đơn giản trên mạng xã hội đều là lừa đảo.

Theo Công an TP.HCM, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng gần đây có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tội phạm lừa đảo qua mạng cũng luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn. Các đối tượng chủ yếu ở nước ngoài hoặc người Việt Nam sử dụng số điện thoại đầu số lạ. Số tài khoản nhận tiền của nạn nhân là tài khoản tội phạm mua để sử dụng. Khi nạn nhân báo cơ quan chức năng thì các đối tượng đã chuyển tiền chiếm đoạt qua tài khoản khác. Cho nên việc điều tra xác minh các vụ lừa đảo hết sức khó khăn.

Về chiêu trò lừa đảo báo tin giả “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp”, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM đang phối hợp với Công an các địa phương rà soát các số điện thoại đã gọi tới cho các nạn nhân (các phụ huynh) để điều tra, truy xét; truy tìm số tài khoản mà phụ huynh đã chuyển tiền vào.

Lực lượng chức năng khuyến cáo, khi nhận được cuộc gọi về thủ đoạn trên, phụ huynh cần giữ bình tĩnh và tuyệt đối không nghe theo lời người lạ gọi điện kêu chuyển khoản. Việc cần làm đầu tiên là xác minh ngay thông tin bằng nhiều cách như liên hệ với nhà trường, thầy cô giáo hoặc gọi cho bảo vệ nơi con em mình đang học để xác minh,...

Theo Hoàng Minh/VOV-TP.HCM

https://vov.vn/phap-luat/canh-bao-10-chieu-tro-lua-dao-pho-bien-post1136578.vov