Cập nhật: 27/11/2024 08:31:00
Xem cỡ chữ

Bình Phước là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ - năng động và phát triển phía Nam; có vị trí địa lý chiến lược, các tuyến giao thông kết nối thuận lợi và giữ vai trò quan trọng. Đồng thời là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia - Lào - Thái Lan.

Với vị trí địa lý, đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, phong phú. 

Chú thích ảnh

 Vẻ đẹp thác Ông Đổng (Phú Riềng, Bình Phước). Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Bình Phước là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, “địa lợi, nhân hòa”, xưa gần Gia Định, Sài Gòn, nay gần Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh giáp biên giới với 3 tỉnh của Campuchia, giáp vùng Tây Nguyên trù phú; giáp các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắc Nông. So với các tỉnh, thành phố phía Nam, nhất là vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước có những đặc điểm về lịch sử, địa lý, địa hình, khí hậu, địa chất, tài nguyên, dân tộc, tôn giáo… với những nét riêng và nhiều lợi thế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, qua giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa ở Bình Phước có thể hình dung quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm lịch sử, văn hóa của tỉnh Bình Phước trong không gian văn hóa lịch sử của vùng Đông Nam Bộ vừa mang hình ảnh của toàn vùng, vừa có nét riêng của một tỉnh “tiền tiêu” thuộc vùng. Bình Phước phát huy được nguồn lực di tích lịch sử - văn hóa này sẽ có đóng góp quan trọng cho vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên những năm qua, việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch của Bình Phước còn hạn chế, thiếu bài bản. Do đó, số lượng khách đến địa phương hàng năm không nhiều; doanh thu từ du lịch còn rất thấp. Điều này cho thấy, du lịch Bình Phước chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, gắn du lịch với bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ chủ quyền biên giới; phát triển du lịch gắn liền với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch; trong đó, xây dựng và phát triển 6 tuyến, tour du lịch nội địa và quốc tế.

Cụ thể, tỉnh xây dựng tour du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch hồ Suối Giai kết nối với các hoạt động tham quan, công vụ tại thành phố Đồng Xoài. Các tour du lịch trải nghiệm các sản phẩm du lịch trên khinh khí cầu ngắm quần thể các kỳ quan thế giới, quần thể các kỳ quan Việt Nam thu nhỏ, tour du lịch sinh thái rừng, tour du lịch khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông, kết nối Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch với Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo và Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Bình Phước xây dựng các tour du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y; tour du lịch trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm kết nối với Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá và các điểm đến trên tuyến du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Các tour du lịch thăm chiến trường xưa, du lịch về nguồn, du lịch dã ngoại và trải nghiệm bắn đạn thật, kết nối với Khu đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và sân Golf tại Chơn Thành, Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và các sản phẩm du lịch trên tuyến du lịch tìm hiểu lịch sử.

Địa phương xây dựng tour du lịch dã ngoại và trải nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao, mô hình vườn cây ăn trái tại Đồng Phú, Hớn Quản kết nối với sản phẩm du lịch homestay trải nghiệm một ngày làm công nhân cao su tại Phú Riềng. Tour du lịch quốc tế Một ngày - 4 quốc gia”; trong đó, chọn Khu Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam làm trung tâm, là điểm dừng chân trong chuyến hành trình xuyên Á” kết nối các điểm đến trên tuyến du lịch quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan).

Để các tour du lịch hoạt động hiệu quả, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng thương hiệu điểm đến; tăng cường công tác liên kết kích cầu du lịch và xúc tiến quảng bá điểm đến tại các thị trường du lịch có tiềm năng trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tổ chức tốt các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch; tiếp tục thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Bộ và một số tỉnh của Campuchia, Lào, Thái Lan.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổ chức Sự kiện Truyền thông Du lịch Newstar Media (tỉnh Bình Dương) cho biết, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) được xây dựng từ năm 2011 đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Dựa trên những tài nguyên và điều kiện thuận lợi vốn có này của Bù Đăng, công ty đã xây dựng tour du lịch kết nối Bù Đăng với chủ đề “Vang mãi tiếng chày trên Sóc Bom Bo”.

Bình Phước phấn đấu thu hút du khách giai đoạn từ năm 2022 - 2025 tăng bình quân 22,92% và 11,89% đối với giai đoạn từ năm 2026 - 2030; đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 2 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 đạt 3 triệu lượt khách/năm; tăng số thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của mỗi du khách, hướng tới mục tiêu doanh thu từ du lịch năm 2030 chiếm khoảng 6 - 7% GRDP của tỉnh.

Theo Đậu Tất Thành - Nhật Bình (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/du-lich/phat-trien-cac-tuyen-du-lich-co-loi-the-nham-thu-hut-du-khach-20241123111341797.htm