Cập nhật: 28/11/2024 14:00:00
Xem cỡ chữ

Năm 2024, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đã thu hút hàng chục chủ thể đăng ký tham gia. Hầu hết các chủ thể đăng ký tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm năm nay đều là lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP. Để giúp các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện sản phẩm, các ngành chức năng đã chủ động tập huấn, tư vấn, hỗ trợ cho từng chủ thể.

Đăng ký tham gia chương trình OCOP năm nay, hộ gia đình anh Bách có rất nhiều bỡ ngỡ, xong được sự hỗ trợ từ các ngành, các đơn vị trong suốt quá trình thực hiện từ khâu tập huấn đến tư vấn hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện quy trình sản xuất để sản phẩm đạt tiêu chuẩn của một sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Nhờ vậy, sản phẩm bánh đa vừng đen của hộ gia đình anh đang dần xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Khi đăng ký tham gia, các cơ sở, doanh nghiệp đã có sự chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của chương trình, tuy nhiên do mới tham gia Chương trình OCOP nên không tránh khỏi sự thiếu sót về hồ sơ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm theo quy định. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương đã trực tiếp phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tập trung cải thiện mẫu mã, bao bì; bổ sung hồ sơ; đảm bảo chất lượng, hoàn thiện quy trình sản xuất sản phẩm OCOP. Đồng thời, giúp các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, tạo thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm, thị trường tiêu thụ.

Với sự hỗ trợ, tư vấn của các sở, ngành và địa phương, những chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đã hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo đủ điều kiện của một sản phẩm OCOP. Đây là căn cứ để các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại cấp huyện.

Hà Giang