Cập nhật: 09/12/2024 10:56:00
Xem cỡ chữ

Các nhà nghiên cứu tại Australia gắn "balô" vào bọ cánh cứng và gián để điều khiển chuyển động của chúng, hy vọng những động vật lai máy móc này có thể trở thành "nhân viên" cứu hộ trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu tại Australia gắn "balô" vào bọ cánh cứng và gián để điều khiển chuyển động của chúng. (Nguồn: CNN)
Các nhà nghiên cứu tại Australia gắn "balô" vào bọ cánh cứng và gián để điều khiển chuyển động của chúng. (Nguồn: CNN)

ZaloFacebookTwitterBản inCopy link

“Bệnh nhân” được ngâm trong bồn nước đá như một biện pháp gây mê cho ca phẫu thuật sắp tới.

Khi đã đạt trạng thái gây mê cần thiết, sinh viên Lachlan Fitzgerald của Đại học Queensland (Australia) bắt đầu quá trình này bằng cách cẩn thận gắn một bảng mạch nhỏ vào lưng “bệnh nhân” để tạo ra một robot lai sinh học - một phần là cơ thể sống, một phần là máy móc.

Trên thực tế, “bệnh nhân” là một con bọ cánh cứng, và thiết bị giống như một chiếc “balô” này sẽ gửi các xung điện đến râu của nó. Thiết bị cho phép Fitzgerald điều khiển chuyển động, đồng thời khai thác sự nhanh nhẹn bẩm sinh của nó.

Fitzgerald, người đang theo học ngành toán và kỹ thuật, cho biết: "Chỉ khi nó rời khỏi đường đi mà chúng ta mong muốn thì chúng ta mới can thiệp và bảo nó đi ‘đúng hướng.’"

Anh hy vọng sẽ tạo ra một “đội quân tìm kiếm và cứu hộ” côn trùng-máy.

"Sau một thảm họa đô thị như động đất hoặc đánh bom, khi con người không thể tiếp cận an toàn đến địa điểm thảm họa, [chúng ta] có thể gửi một nhóm bọ cánh cứng cyborg để di chuyển đến những khu vực đó một cách nhanh chóng và hiệu quả" - anh nói.

Theo CNN, phòng thí nghiệm sinh học robot nơi Fitzgerald làm việc đang đặt “balô” điều khiển lên những con gián đào hang khổng lồ - một loài gián bản địa của Australia có thể dài tới 3 inch (8cm), và bọ cánh cứng bóng tối.

Các loài thuộc họ bóng tối có thể “hiện diện” ở những môi trường từ thảo nguyên nhiệt đới đến sa mạc khô cằn trên khắp thế giới. Việc phải xử lý lũ côn trùng không làm Fitzgerald bận tâm: “Không, tôi không thấy chúng ghê sợ chút nào!” - anh nói.

Theo Fitzgerald, côn trùng cyborg có lợi thế hơn so với robot truyền thống. Anh giải thích rằng "Côn trùng có khả năng thích nghi cao hơn nhiều so với hệ thống robot nhân tạo, vốn phải thực hiện rất nhiều phép tính để có thể xử lý tất cả các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong thế giới thực."

Fitzgerald cho biết bọ cánh cứng hoặc gián tìm kiếm-cứu hộ cyborg có thể giúp ích trong các tình huống thảm họa bằng cách tìm kiếm và báo cáo vị trí của những người sống sót, đồng thời cung cấp thuốc cứu sinh cho họ trước khi lực lượng cứu hộ đến nơi.

Nhưng trước tiên, các nhà nghiên cứu Australia phải nắm vững khả năng “chỉ đạo” chuyển động của côn trùng - việc này có thể “mất một thời gian.” Fitzgerald cho biết mặc dù công việc này hiện vẫn có vẻ xa vời, nhưng trong vài thập kỷ nữa, côn trùng cyborg có thể cứu sống con người.

gian cyborg 2.jpg
Sinh viên Lachlan Fitzgerald của Đại học Queensland hy vọng một ngày nào đó có thể sử dụng loài côn trùng lai máy móc này làm "nhân viên" tìm kiếm và cứu hộ. (Nguồn: CNN)

Fitzgerald không phải là nhà nghiên cứu robot duy nhất tạo ra robot từ các sinh vật sống.

Các học giả tại Viện Công nghệ California (Caltech) cũng đang cấy máy tạo nhịp tim điện tử vào sứa để kiểm soát tốc độ bơi của chúng. Họ hy vọng những con sứa sinh học có thể giúp thu thập dữ liệu về môi trường sâu trong lòng đại dương.

Tháng Chín vừa qua, các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell đã giới thiệu robot được điều khiển bởi một loại nấm sò vua. Các robot này cảm nhận và phản ứng với môi trường bằng cách khai thác các tín hiệu điện do nấm tạo ra và độ nhạy sáng của nấm - chúng có thể được ứng dụng để cảm nhận các chỉ số hóa học trong đất gần cây trồng giúp quyết định thời điểm bón thêm phân cho cây.

Sự gia tăng của robot lai sinh học đã gây ra cuộc tranh luận về đạo đức, một số nhà nghiên cứu đã ủng hộ việc quản lý và giám sát tốt hơn.

Các học giả Caltech nói với CNN rằng họ đã làm việc với các nhà đạo đức sinh học để đảm bảo rằng các can thiệp của họ không gây ra bất kỳ loại phản ứng căng thẳng nào ở loài sứa mà họ đang “cộng tác.”

Fitzgerald cho biết những con bọ cánh cứng gắn “balô” có tuổi thọ bình thường. "Vì vậy, tôi không nghĩ chúng bận tâm" - ông nói. "Khoa học vẫn chưa biết liệu chúng có thực sự là những sinh vật có ý thức hay không.”

Fitzgerald đồng ý rằng những lo ngại cho các loài sinh vật là có cơ sở, nhưng anh nhấn mạnh những lợi ích mà robot lai mang lại: "Tôi nghĩ rằng tiềm năng của công nghệ này trong việc cứu sống con người trong thảm họa đô thị thực sự quan trọng hơn bất kỳ sự do dự nào có thể có đối với lĩnh vực này."./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)  

https://www.vietnamplus.vn/gian-cyborg-khong-lo-co-the-gia-nhap-doi-tim-kiem-va-cuu-ho-trong-tuong-lai-post999666.vnp