Cơ quan chức năng Hàn Quốc hôm nay bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun với cáo buộc nổi loạn. Động thái mới nhất này được cho là sẽ đẩy nhanh tốc độ cuộc điều tra nhắm vào Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và những người liên quan, giữa lúc cuộc điều tra về tình trạng hỗn loạn chính trị đang được đẩy mạnh sau những tác động tiêu cực từ tuyên bố thiết quân luật của nhà lãnh đạo này.
Cơ quan chức năng Hàn Quốc hôm nay bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun với cáo buộc nổi loạn. Động thái mới nhất này được cho là sẽ đẩy nhanh tốc độ cuộc điều tra nhắm vào Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và những người liên quan, giữa lúc cuộc điều tra về tình trạng hỗn loạn chính trị đang được đẩy mạnh sau những tác động tiêu cực từ tuyên bố thiết quân luật của nhà lãnh đạo này.
Sáng nay (11/12), Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun chính thức bị bắt giữ với các cáo buộc "tham gia các nhiệm vụ quan trọng trong cuộc nổi loạn" và "lạm quyền cản trở việc thực thi quyền lực". Theo người phát ngôn Tòa án Trung tâm Seoul, lệnh bắt giữ được thực hiện do lo ngại về khả năng tiêu hủy bằng chứng.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc
Rạng sáng cùng ngày (11/12), Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Cho Ji-ho và người đứng đầu Sở cảnh sát Seoul Kim Bong-sik cũng đã bị bắt giữ khẩn cấp vì liên quan đến lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Theo quy định bắt giữ khẩn cấp, cảnh sát có 48 giờ để giam giữ và thẩm vấn các nghi phạm.
Bản thân Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng đang đối mặt với ít nhất ba cuộc điều tra của ba cơ quan lớn, liên quan lệnh thiết quân luật mà ông ban bố gần đây. Trong lịch sử Hàn Quốc, chưa từng có Tổng thống nào bị bắt khi đương chức, song các diễn biến hiện tại đang khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho số phận chính trị của ông Yoon Suk Yeol. Đặc biệt sau khi Quốc hội Hàn Quốc hôm qua (10/12) thông qua nghị quyết kêu gọi bắt giữ khẩn cấp Tổng thống Yoon Suk Yeol và một số quan chức cấp cao, đồng thời thông qua dự luật bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra cáo buộc chống lại ông.
Về lý thuyết, một Tổng thống đương nhiệm bị tình nghi nổi loạn có thể bị bắt để điều tra nếu áp dụng nghiêm ngặt các bộ luật đang có hiệu lực. Nhưng trong trường hợp ông Yoon Suk Yeol từ chối tuân theo các lệnh thực thi pháp luật, mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp cưỡng chế có thể sẽ không mang lại hiệu quả như phe đối lập mong đợi. Bởi lẽ, Cơ quan An ninh Tổng thống, với nhiệm vụ bảo vệ nguyên thủ 24/7, sẽ là một trở ngại khi thẩm quyền của ông Yoon Suk Yeol với tư cách là Tổng thống đương nhiệm vẫn còn nguyên vẹn. Thẩm quyền này chỉ bị tước bỏ khi Tòa Hiến pháp ra phán quyết phế truất ông.
Một trở ngại khác, theo như người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha-kyu tái khẳng định hồi đầu tuần này, rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol hiện vẫn là Tổng tư lệnh và nắm quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang.
“Bạn đang yêu cầu một phán quyết về việc Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể có thẩm quyền chỉ huy nữa hay không? Về mặt pháp lý, thẩm quyền hiện vẫn đang nằm trong tay Tổng tư lệnh”, ông Jeon Ha-kyu nói.
Với việc Hàn Quốc ra lệnh bắt giữ khẩn cấp một loạt quan chức, cuộc điều tra của cơ quan công tố về cáo buộc nổi loạn nhằm vào Tổng thống Yoon Yoon Suk Yeol và các quan chức cấp cao khác trong chính quyền của ông đang được đẩy nhanh. Các thành viên nội các, trong đó có Thủ tướng Han Duck-soo, cũng đã được yêu cầu trình diện để thẩm vấn về lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Đội điều tra đặc biệt thuộc Cục Điều tra Quốc gia (NOI) của cảnh sát Hàn Quốc yêu cầu các thành viên nội các từng dự buổi họp với Tổng thống Yoon Suk Yeol trước khi ban bố lệnh thiết quân luật đêm 3/12 phải trình diện để trả lời các câu hỏi của điều tra viên. Danh sách yêu cầu trình diện mà đội điều tra đưa ra có 11 người, trong đó có Thủ tướng Han Duck-soo và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Cho Tae-yong. Cơ quan điều tra cảnh báo sẵn sàng thực thi các biện pháp pháp lý cần thiết, kể cả cưỡng chế điều tra, nếu những người được triệu tập không xuất hiện theo yêu cầu.
Theo tờ Chosun, trong bối cảnh tình hình chính trị rối ren trong nước, Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền đã bắt đầu cân nhắc 2 kịch bản cho việc Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức sớm vào năm tới. Một là rời nhiệm sở vào tháng 2 và bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 4 hoặc từ chức vào tháng 3 và tổ chức bầu cử trong tháng 5. Đảng cầm quyền đặt mục tiêu hoàn thiện và công bố lộ trình từ chức nói trên, cùng với các biện pháp nhằm ổn định tình hình chính trị trước ngày 14/12, thời điểm quốc hội dự kiến bỏ phiếu về kiến nghị luận tội thứ 2 đối với Tổng thống.
Theo Phương Anh/VOV1 (tổng hợp)
https://vov.vn/the-gioi/han-quoc-bat-giu-mot-loat-quan-chuc-dang-cam-quyen-buoc-tong-thong-tu-chuc-post1141303.vov