Cập nhật: 14/12/2024 11:06:00
Xem cỡ chữ

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành công thương và doanh nghiệp cả nước đang tích cực dữ trữ lượng hàng hóa, dồi dào, giá cả bình ổn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Chú thích ảnh

Nhân viên siêu thị Co.opmart Cà Mau bày hàng hóa phục vụ thị trường dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch năm 2025. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình thị trường hàng hóa thời gian qua không có biến động bất thường. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG. Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm, cùng với hiệu quả từ giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2888/QĐ-BCT ngày 1 tháng 11 năm 2024 về việc ban hành Kế hoạch của ngành công thương triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg.

Hiện tại, đơn vị thuộc Bộ Công Thương đang tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả giải pháp, chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước, kết nối cung cầu hàng hóa, hoạt động khuyến mại để kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số nhằm kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước... từng bước thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 ước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. 

Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trước biến động giá cả có thể xảy ra, Sở Công Thương các tỉnh, đơn vị trực thuộc bộ và doanh nghiệp, tập đoàn có biện pháp ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025. Với sự đồng lòng của doanh nghiệp, dự kiến, nguồn hàng phục vụ cuối năm và Tết Nguyên đán 2025 sẽ đảm bảo dồi dào, giá bình ổn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, theo thông tin từ các địa phương, đến nay một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025. Đặc biệt, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

Hiện tại, ngành công thương Hà Nội đã dự trữ 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…Hệ thống bán lẻ quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội như Co.op Mart, AEON, Hapro/BRG Mart, Central Retail… cũng đã ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động ban hành các kế hoạch liên quan. Sở căn cứ vào nhu cầu mua sắm tăng cao dịp cuối năm nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân; trong đó, một số nhóm hàng chính được quan tâm là gạo, thịt lợn, thịt bò, rau, củ, quả… Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống phân phối hàng hóa bố trí điểm bán truyền thống kết hợp với lưu động, nhất là ở vùng sâu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đẩy mạnh kiểm tra hàng hóa, nhất là ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường đẩy mạnh truyền thông để người dân mua sắm văn minh, an toàn; doanh nghiệp chủ động trong nguồn cung và có kế hoạch với kênh phân phối để phục vụ tốt nhất.

Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm chia sẻ, từ sớm Hapro đã chủ động các kênh phân phối hàng hóa, đảm bảo nguồn cung. Với sản phẩm Hapro nhiều quy trình, quy chuẩn về chứng chỉ, chứng nhận đăng ký, Hapro cũng có bước kiểm soát chặt. Các bộ phận nội bộ liên tục đi kiểm tra nội bộ nhằm mang lại những sản phẩm tốt nhất tới tay người tiêu dùng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Saigon Co.op Mart Hà Đông cho hay: Đơn vị có gần 1.000 điểm phân phối hàng hóa trên khắp các tỉnh thành. Chương trình “Đến Co.op Mart chở Tết về” đã trở thành một thương hiệu trong người tiêu dùng. Với lượng hàng hóa dự trữ, siêu thị áp dụng chương trình khuyến mãi, ưu đãi nhằm phục vụ tốt nhất khách hàng. Đặc biệt, nguồn hàng tại siêu thị bày trên quầy kệ đều đảm bảo chất lượng và date mới. Mặt khác, hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc sẽ dự trữ khoảng 12.000 tấn hàng hóa, tăng từ 30-50% theo từng nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.

Chú thích ảnh

Siêu thị Co.opmart Cà Mau chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Còn theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, phần lớn hàng hoá phục vụ Tết năm nay là hàng Việt, chiếm hơn 80% toàn hệ thống, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 20%. Hàng Việt hay sản phẩm "made in Việt Nam" chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú và hiện đại, doanh nghiệp cũng quảng bá tốt trên nhiều nền tảng giúp người tiêu dùng nhận diện được tốt hơn và lựa chọn mua sắm. 

Chào đón năm mới Ất Tỵ, hầu hết doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã khởi động mùa Tết sớm khi tung ra thị trường sản phẩm Xuân 2025 cũng như ra mắt sản phẩm mới với cam kết giữ giá ổn định, khuyến mãi sâu nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Ông Amiya Yosuke - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho biết, doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ tháng 9/2024, ngoài sản phẩm "Lẩu Tết" đã trở thành dấu ấn của Sài Gòn Food vào mỗi dịp xuân về. Do đó, Tết Ất Tỵ 2025 năm nay, Sài Gòn Food tiếp tục phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, đa dạng. Cùng đó, Sài Gòn Food tung ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn giảm giá từ 20 - 50% ở các mặt hàng chính như lẩu Tết, xốt gia vị hoàn chỉnh, Pizza…

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vissan cho hay, nhằm thu hút khách hàng mua sắm, ngoài các dòng sản phẩm truyền thống, Vissan ra mắt dòng sản phẩm mới, chú trọng vào tính tiện lợi và nhanh chóng như dòng sản phẩm chả lụa que hướng đến phân khúc khách hàng trẻ. Hơn nữa, Vissan cam kết giữ ổn định giá bán trong suốt dịp Tết, đồng thời triển khai đa dạng chương trình khuyến mãi hàng tuần với mức ưu đãi từ 10 - 20% cho một số sản phẩm thiết yếu. Vissan dự kiến cung cấp gần 930 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với Tết Giáp Thìn và 3.700 tấn thực phẩm chế biến, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, công ty dự trữ thêm từ 10 - 20% sản lượng giúp sẵn sàng ứng phó với trường hợp thiếu hụt nguồn cung.

Cùng với chuẩn bị nguồn hàng, nhiều doanh nghiệp và hệ thống bán lẻ hiện đại cũng đã tung hộp quà Tết ra thị trường. Các hộp quà Tết năm nay tập trung hướng vào sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thân thiện với môi trường với sản phẩm chủ đạo là nông sản, sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu.

Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng chú trọng kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm hành chính mặt hàng bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa, xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại bảo đảm môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đón Tết an vui.

Theo Uyên Hương (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/kinh-te/duy-tri-binh-onkhong-de-thieu-hang-trong-dip-tet-at-ty-20241214100136366.htm