Cập nhật: 25/12/2024 07:40:00
Xem cỡ chữ

Năm 2024 được đánh dấu bằng sự leo thang của các cuộc xung đột kéo dài và bế tắc địa chính trị. Những diễn biến này đã phơi bày sự mong manh của trật tự toàn cầu, làm bùng phát nỗi lo ngại chiến tranh hạt nhân và thử thách khả năng phục hồi của các liên minh quốc tế.

Từ các cuộc chiến càng ác liệt ở Ukraine và Dải Gaza cho đến sự sụp đổ bất ngờ của chính quyền Tổng thống Syria Al Assad, địa chính trị toàn cầu đã phải đối mặt với sự hỗn loạn chưa từng có. Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cũng là sự kiện đáng chú ý có thể gia tăng sự khó lường trong quan hệ quốc tế.

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và nỗi lo chiến tranh hạt nhân

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đạt đến một bước ngoặt quan trọng vào năm 2024. Cả Ukraine và Nga đều phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên và khả năng xung đột hạt nhân, trong bối cảnh cuộc chiến bước sang năm thứ 3 với nhiều yếu tố bất ngờ.

4 cuoc xung dot lon lam rung chuyen the gioi nam 2024 va noi lo chien tranh hat nhan hinh anh 1

Ukraine và Nga đều chịu tổn thất lớn trong cuộc xung đột. Ảnh: Getty

Tình hình trên chiến trường ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Ukraine trong năm 2024. Bất chấp nỗ lực huy động, Ukraine vẫn không giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực và vật lực trầm trọng khiến nước này bị mất nhiều vùng lãnh thổ vào tay Nga. Bên cạnh đó, các nỗ lực viện trợ phương Tây còn nhiều hạn chế, như việc chuyển giao vũ khí chậm trễ, ở quy mô nhỏ và không đồng bộ với nhu cầu trên chiến trường.

Hơn nữa, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Mỹ có duy trì các khoản viện trợ dành cho Ukraine trong tương lai hay không. Nếu ông Trump quyết định dừng viện trợ, châu Âu sẽ phải gồng mình đlấp đầy khoảng trống này.

Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ ưu tiên chấm dứt xung đột thông qua đàm phán. Tuy nhiên, ông và các quan chức dưới quyền vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Cách tiếp cận theo hướng ngoại giao của Mỹ được dự đoán sẽ gặp nhiều sóng gió, đặc biệt là khi các đồng minh châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng Washingon cắt giảm viện trợ dưới thời ông Trump.  

Trong khi đó, những hành động quân sự leo thang giữa các bên thời gian gần đây cùng việc Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân và quyết định của chính quyền Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân. Ngay sau khi được bật đèn xanh, Ukraine đã tấn công một số khu vực của Nga bằng tên lửa ATACMS, còn Nga trả đũa bằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, đánh dấu lần đầu tiên nước này sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung trong chiến đấu.

Xung đột Gaza

Xung đột bùng phát giữa Israel và phong trào Hamas bùng phát từ ngày 7/10/1013 khi Hamas phát động một cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không vào Israel từ Dải Gaza. Cuộc tấn công này đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là công dân Israel, khiến đây trở thành ngày đẫm máu nhất đối với Israel. Một ngày sau đó, Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh lần đầu tiên kể từ năm 1973.

Cuộc chiến bắt đầu với việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến hành các cuộc không kích vào Dải Gaza, sau đó Israel đã điều động lực lượng bộ binh và xe bọc thép tiến vào vùng lãnh thổ này. Đến tháng 12/2024, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 45.000 người Palestine, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm hơn một nửa số thương vong, đồng thời phá hủy hoặc làm hư hại 2/3 số tòa nhà ở Dải Gaza.

Trong bối cảnh Thủ tướng Israel Netanyahu tiếp tục theo đuổi "chiến thắng toàn diện" trước Hamas, hiện không có kế hoạch rõ ràng nào để chấm dứt xung đột ở Gaza. Theo giới phân tích, bước sang năm 2025, cuộc chiến tại Gaza sẽ diễn biến theo hướng phức tạp hơn, đặc biệt là ở các khu vực phía nam và trung tâm của Dải Gaza. Ở phía bắc Gaza, Lực lượng phòng vệ Israel có khả năng sẽ hiện diện liên tục. Mục đích là biến phía bắc Gaza thành vùng đệm và là bệ phóng để có thể tiếp cận nhanh hơn vào các khu vực khác.

Căng thẳng Israel-Iran: Từ “lạnh” chuyển sang “nóng”

Căng thẳng giữa Israel và Iran bùng nổ vào năm 2024, dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp lần đầu tiên giữa hai nước. Ngày 14/4, Iran đã mở cuộc tấn công quy mô lớn, huy động hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel. Tuy nhiên, Israel chỉ đáp trả một cách hạn chế. Đến ngày 1/10, Iran phóng khoảng 200 tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel để trả đũa cho cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và tướng Abbas Nilforoushan, chỉ huy thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran mà Tehran cáo buộc do Israel gây ra.

4 cuoc xung dot lon lam rung chuyen the gioi nam 2024 va noi lo chien tranh hat nhan hinh anh 2

Hệ thống Vòm sắt ngăn chặn tên lửa trên bầu trời nhìn từ thành phố Ashkelon, Israel, hôm 1/10. Ảnh: Reuters

Đây là lần thứ hai Iran tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel trong vòng 6 tháng. Vào rạng sáng ngày 26/10, Israel đã thực hiện chiến dịch quân sự “Những ngày sám hối” tấn công vào lãnh thổ Iran để trả đũa các vụ tấn công bằng tên lửa của nước này vào lãnh thổ Israel trước đó. Theo tiết lộ của báo Bưu điện Jerusalem, hơn 100 máy bay chiến đấu Israel đã tham gia cuộc tấn công này, trong đó có cả chiến đấu cơ tàng hình F-35 tiên tiến với hành trình khoảng 2.000km. IDFcho biết Israel đã tấn công chính xác vào các mục tiêu ở các khu vực khác nhau của Iran, trong đó có cả những cơ sở được Iran sử dụng để phóng tên lửa về phía Israel.

Những cuộc tấn công qua lại quy mô lớn này đánh đánh dấu sự chuyển dịch nguy hiểm từ xung đột ủy nhiệm sang xung đột trực tiếp, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn sẽ lan rộng khắp Tây Á.

Sự sụp đổ của chính phủ Syria

Sau một thời gian dài tạm lắng, giao tranh ở Syria bất ngờ bùng phát trở lại những ngày cuối năm. Phe đối lập lợi dụng tình hình biến động trong khu vực đã tiến hành các cuộc tấn công táo bạo tại các địa phương phía Bắc và giành quyền kiểm soát Aleppo - thủ phủ kinh tế của đất nước, sau đó tiến vào thủ đô Damascus. Tổng thống Bashar al-Assad buộc phải rời khỏi đất nước sang Nga tị nạn. Trong bối cảnh chính phủ Syria sụp đổ, giới quan sát lo ngại chiến trường Syria có nguy cơ trở thành một điểm nóng mới, lôi kéo các quốc gia trong và ngoài khu vực tham gia.

Sự sụp đổ của chính quyền Assad được coi là đòn giáng mạnh đối với Nga và Iran, những đồng minh chủ chốt đã chống đỡ cho chính phủ của ông kể từ năm 2015. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã tận dụng sự hỗn loạn của Syria để củng cố ảnh hưởng trong khu vực và kiềm chế phong trào ly khai của người Kurd tại nước này.

Khi năm 2024 kết thúc, tình hình địa chính trị toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Sự dai dẳng của các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, cùng với sự khó lường trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời ông Trump, có thể định hình lại quan hệ quốc tế trong năm 2025.  

Theo Hồng Anh/VOV.VN (tổng hợp)

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/4-cuoc-xung-dot-lon-lam-rung-chuyen-the-gioi-nam-2024-va-noi-lo-chien-tranh-hat-nhan-post1144278.vov