Từ xa xưa, làng rèn truyền thống Lý Nhân đã nổi tiếng xa gần, với những sản phẩm gia dụng có độ bền cao, đẹp, thông dụng trong mỗi gia đình Việt Nam. Bất kể dù là ngày mưa cũng như ngày nắng, năm này qua năm khác, lò rèn ở làng Lý Nhân luôn đỏ lửa. Mỗi nếp nhà, mỗi con ngõ luôn nhộn nhịp bởi tiếng đe, tiếng búa minh chứng cho sự tồn tại bền bỉ của một làng nghề truyền thống. Không ai biết rõ nghề rèn bắt đầu từ bao giờ, nhưng suốt hàng trăm năm qua, nghề rèn nơi đây vẫn được cha truyền con nối, âm thầm, bền bỉ phát triển.
Trên đường làng Lý Nhân, văng vẳng khắp xóm là tiếng đe và tiếng búa của các lò rèn liên tục vang lên. Những người dân nơi đây đã lớn lên và gắn bó với âm thanh quen thuộc này. Qua những biến thiên của lịch sử, nghề rèn ở xã Lý Nhân ngày càng phát triển, phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước. Để có được những sản phẩm tưởng chừng như đơn giản ấy, những người thợ rèn ở xã Lý Nhân đã phải trải qua rất nhiều công đoạn vô cùng tỉ mỉ và kì công. Thợ rèn không chỉ đòi hỏi có sức khỏe dẻo dai mà còn yêu cầu sự khéo léo của đôi tay lành nghề mới có thể làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng.
Đối với những nghệ nhân lành nghề trong làng như anh Vũ Đức Thắng, ông Phùng Xuân Đương, họ đã quá quen thuộc với ánh lửa lò than với tiếng mài, tiếng búa. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết từng công đoạn như bổ, cháy và nước tôi đang ở trạng thái nào, độ phát sáng ra sao, nước tôi vào lúc nào, ủ như thế nào, bởi chỉ cần tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Trước đây người dân Lý Nhân phải mất rất nhiều công sức để làm ra một sản phẩm thủ công. Ngày nay, nhiều gia đình ở đây đã đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức người và tăng năng suất làm việc.
Trên mỗi nẻo đường của làng quê Lý Nhân, đâu đâu cũng vang lên tiếng đe, tiếng búa leng keng. Có lẽ cũng bởi vậy, những người dân nơi đây đã gắn bó và trưởng thành từ âm thanh quen thuộc của cha ông nên luôn chung tay gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống, góp phần vào sự thay da đổi thịt của làng nghề. Ánh lửa lò rèn vẫn rực cháy, điều đó giúp người thợ rèn thêm vững tin vào sự tồn tại phát triển của nghề mà cha ông đã để lại.
Thu Thủy