Cập nhật: 11/01/2025 21:00:00
Xem cỡ chữ

Với quyết tâm đưa nông sản của Vĩnh Phúc ra thị trường quốc tế, những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng Mã số vùng trồng trong trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và Nhà nước, những năm gần đây, nông sản của Vĩnh Phúc đang dần khẳng định vị thế và đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu bằng con đường chính ngạch.

Vùng trồng ớt tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô nhiều năm nay đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp này ngay khi bắt tay vào trồng ớt đã xây dựng mã số vùng trồng và đảm bảo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt theo quy trình VIETGAP. Với sản lượng xuất khẩu hàng chục tấn mỗi năm, giá trị cây ớt trồng tại Vĩnh Phúc không chỉ ổn định đầu ra mà còn đảm bảo về giá trị và thu nhập.

Cuối năm 2024, hơn 2.000 quả bưởi Diễn mang thương hiệu bưởi Vĩnh Tường đã được xuất khẩu đi thị trường Châu Âu. Đây là lần đầu tiên quả bưởi trồng tại Vĩnh Phúc thành công xuất khẩu ra nước ngoài. Sau thành công của lần hợp tác xuất khẩu đầu tiên, những hộ dân trồng bưởi Vĩnh Tường đã xây dựng kế hoạch, mở rộng vùng chăm sóc theo tiêu chuẩn, dự kiến năm 2025 sẽ xuất khẩu khoảng trên 20.000 quả bưởi.

Để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, các sản phẩm nông sản cần được sản xuất theo một quy trình đồng nhất, trong đó, điều kiện bắt buộc là các mặt hàng nông sản được sản xuất từ vùng trồng được cấp mã số. Nhận thức rõ tầm quan trọng của mã số vùng trồng, thời gian qua ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực của tỉnh. Tại Vĩnh Tường, đã có 2 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường các nước EU và Trung Quốc là vùng trồng bưởi tại xã Vĩnh Phú và mã số vùng trồng chuối tại xã Yên Lập.

Xây dựng mã vùng trồng là điều kiện bắt buộc để nông sản vươn ra thế giới. Việc cấp mã số vùng trồng được coi như “hộ chiếu” giúp nông sản Vĩnh Phúc có điều kiện tiếp cận thị trường các nước, trong đó có cả thị trường khó tính, từ đó nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hà Giang